Tính đến 11h sáng ngày 14/10, ngoài 17 công nhân tử vong/mất tích sau vụ sạt lở núi tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 13 người thuộc đoàn cứu hộ đã mất tích khoảng 35 tiếng kể từ khoảng 0h ngày 13/10 sau vụ lở núi vùi lấp khu nhà Trạm kiểm lâm 67.

5
Trạm kiểm lâm tiểu khu 67 trước và sau khi bị đất đá vùi lấp. (Ảnh: tuoitre.vn)

Cập nhật đến tối 13/10, ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Thuỷ điện Rào Trăng 3 xác nhận 3 nạn nhân đã tử vong trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, danh tính các nạn nhân chưa thể xác định được do khó tiếp cận hiện trường và thi thể của 3 nạn nhân chưa thể đưa ra ngoài.

“Những người còn lại chưa xác định được là có gặp nạn hay không”, ông Thành nói.

Sau đó, có tin báo từ Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết 40 công nhân từ Thủy điện Rào Trăng 3 (trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ) đã đi đường rừng về tới Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 an toàn. Các công nhân tại Thủy điện Rào Trăng 4 đều an toàn, nhưng bị cô lập, lương thực chỉ còn dùng đủ 1 ngày.

thuy dien rao trang hue 1
Một công nhân bị thương tại Thủy điện Rào Trăng 4 được đưa đến Bệnh viện Bình Điền. (Ảnh: FB An Ninh Trật Tự TT Huế)

Sáng 14/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra thông báo chính thức về vụ việc xảy ra ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Số người mất tích tính đến hiện tại là 30 người.

Trong số 30 người mất tích, phía Thủy điện Rào Trăng 3 có 17 công nhân mất tích.

Đoàn cứu hộ sự cố sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 mất tích 13 người, trong đó có ông Nguyễn Văn Man, Thiếu tướng quân đội, Phó tư lệnh Quân khu 4 và ông Nguyễn Hữu Hùng, Đại tá quân đội, Phó Chánh văn phòng ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, theo Tuổi Trẻ Online.

Sáng ngày 14/10, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẽ tiếp tục sử dụng xuồng cao tốc đi trong lòng hồ thuỷ điện Hương Điền để tiếp tế lương thực, nước uống cho người tại Thuỷ điện Rào Trăng 4 và đưa người ra khỏi đây.

thuy dien rao trang hue 2
Công nhân bị thương tại Thủy điện Rào Trăng 4 đang được kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Bình Điền. (Ảnh: FB An Ninh Trật Tự TT Huế)

Ngoài ra, 2 trực thăng (trực thăng Mi17 và Mi171 số hiệu 8432 và 8408) đã được Sư đoàn 372 điều động ra sân bay Phú Bài nằm chờ lệnh. Tuy nhiên hiện thời tiết vùng cần cứu hộ cứu nạn đang rất xấu nên các tổ bay chưa được lệnh cất cánh. Theo kế hoạch, đoàn cứu nạn sẽ đi bằng đường không vào khu vực sạt lở, cùng đội chó nghiệp vụ tìm kiếm người mất tích.

Bộ GTVT được giao huy động tối đa phương tiện máy móc của Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, hỗ trợ mở đường cho lực lượng cứu hộ tiếp cận những vị trí gặp nạn.

Sau khi khảo sát, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã tư vấn cho Sở chỉ huy tiền phương một số phương án xử lý: đối với các điểm sạt lở mà xe còn có thể di chuyển được thì chưa cần san gạt và múc taluy dương để tránh mất chân đồi, gây sạt lở nặng thêm. Đối với các suối tràn lớn dọc đường, cần thiết lập hệ thống cầu tràn và khơi thông miệng cống bên dưới để giảm lưu lượng nước qua tràn.

sat lo thuy dien
Dự kiến trong ngày 14/10, lực lượng cứu hộ cứu nạn sẽ khơi thông được những điểm sạt lở để tiếp cận hiện trường. (Ảnh: phapluatbandoc.giadinh.net.vn)

Theo Tuổi Trẻ Online, 8h30 sáng 14/10, thêm hai xe chở quân của lữ đoàn công binh 414, Quân khu 4 và xe chở lưới thép đã đi vào hỗ trợ san ủi và gia cố các điểm sạt lở đường vào Thủy điện Rào Trăng 3.

Theo cập nhật vào chiều 13/10, trên tuyến đường 71 đi vào Thủy điện Rào Trăng 3 có 10 điểm sạt lở núi, đã khắc phục được 7 điểm, còn cách khoảng 3km là đến vị trí sạt lở đất tại Trạm kiểm lâm số 7, thuộc Tiểu khu 67 nơi 13 người thuộc đoàn công tác/cứu hộ đang mất tích; cách 10 km đến vị trí những công nhân nhà máy thủy điện mất tích.

Theo tin tức trước đó, vào khoảng 12 giờ ngày 12/10, ông Phan Thiên Định – phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhận được điện thoại của một người báo lúc 12h ngày 11/10 đã xảy ra sạt lở núi, lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế), cần giúp đỡ. Cuộc gọi bị gián đoạn giữa chừng do mất sóng. Người báo tin phải trèo lên đỉnh núi mới có sóng để gọi điện.

Khoảng 14h chiều cùng ngày, một đoàn 21 người của Bộ tư lệnh Quân khu 4, Cục Cứu hộ – Cứu nạn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế… đi vào khu vực thủy điện để xác minh, đưa ra phương án cứu hộ cứu nạn.

Lúc 23h, đoàn báo về còn cách Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3km, nhưng do thời tiết xấu, trời tối và sạt lở nên khó có thể đi tiếp. Đoàn vào Trạm Kiểm lâm số 7 thuộc tiểu khu 67 nghỉ, sáng mai đi tiếp.

Lúc 0h ngày 13/10, xuất hiện tiếng nổ lớn, núi, đất đá sụt đổ trùm lên nhà kiểm lâm. 8 người thoát được ra ngoài, 13 người mất tích, trong đó, có 11 cán bộ Quân đội và 2 cán bộ địa phương.

Nguyễn Quân

Xem thêm: