Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết tùy từng thời điểm, kit xét nghiệm COVID-19 được mua với mức giá dao động rất lớn, thấp nhất là 300.000 đồng/bộ, có nơi lên đến 1 triệu đồng/bộ. Tổng số tiền các các bộ, địa phương mua sản phẩm của Việt Á chiếm 27% tổng chi phí mua kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm.

kiem toan nha nuoc hop bao cong khai ket qua kiem toan nam 2021 1
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa trong buổi họp báo ngày 1/7. (Ảnh: baokiemtoannhanuoc.vn)

Chiều 1/7, Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2021, chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ”.

Ông Lê Tùng Lâm, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3 cho biết đây là cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ với quy mô lớn, được thực hiện tại 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 tỉnh, thành thuộc trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Dương…).

Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam ta đã trải qua 4 đợt dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán). Tổng nguồn lực đã huy động trong 2 năm qua là 376.217 tỷ đồng, hỗ trợ các địa phương 142.017,3 tấn gạo; tổng số phân bổ, sử dụng giai đoạn 2020-2021 là 351.177 tỷ đồng.

Về các chính sách hỗ trợ, như chính sách thuế đã gia hạn, giảm thu từ các gói hỗ trợ chính sách thuế năm 2020 là 111.080 tỷ đồng, năm 2021 là 72.116 tỷ đồng; hỗ trợ từ lĩnh vực hải quan không thu là 201 tỷ đồng; miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng phục vụ phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp 63,3 tỷ đồng…

Với chính sách tín dụng, đến cuối năm 2021, tổng giá trị nợ lũy kế đã miễn, giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ là 91.400 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay 57.724 tỷ đồng…

Kiểm toán Nhà nước cho hay có nhiều tồn tại, hạn chế, điển hình liên quan đến việc quản lý và sử dụng vắc-xin, như kế hoạch tiêm chủng tại một số địa phương được xây dựng chưa sát thực tế, chưa ưu tiên sử dụng các lô vắc-xin cận hạn; chưa bao quát đầy đủ đối tượng được ưu tiên; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả, số lượng, hồ sơ tiêm chủng định kỳ…

Đối với việc quản lý và sử dụng kit xét nghiệm COVID-19, theo báo cáo của các bộ ngành, địa phương được kiểm toán trong giai đoạn 2020-2021, tổng cộng các đơn vị đã chi 7.973 tỷ đồng mua sắm sinh phẩm, hóa chất và 58,71 triệu kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm PCR.

Trong đó, một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Hải Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang… đã mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 từ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á với tổng giá trị lên tới 2.161,6 tỷ đồng (chiếm 27%).

Kiểm toán Nhà nước nêu chi tiết kit xét nghiệm có các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất. Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc đã mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm nhanh, PCR trị giá 617,29 tỷ đồng, trong đó có 1.269.404 kit xét nghiệm nhanh; 237.452 bộ kit xét nghiệm PCR với nhiều mức giá khác nhau. Giá kit xét nghiệm nhanh 47.000 – 220.500 đồng/bộ; kit xét nghiệm PCR 126.042 – 653.571 đồng/bộ.

Một số đơn vị tại Hà Nội mua kit xét nghiệm nhanh với giá từ 48.500 – 242.000 đồng/bộ; kit xét nghiệm Realtime RT-PCR từ 48.500 – 210.000 đồng/bộ. Quảng Nam: kit xét nghiệm nhanh từ 48.500 – 198.000 đồng/bộ; kit xét nghiệm PCR từ 200.000 – 300.000 đồng/bộ…

Các đơn vị đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xét nghiệm đột xuất, định kỳ, xét nghiệm cộng đồng, xét nghiệm tại khu cách ly, phong tỏa… Bên cạnh đó, còn tổ chức các dịch vụ xét theo nhu cầu của người dân.

Kiểm toán Nhà nước cũng ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả… hoặc thiếu thông tin chi tiết chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là 1.061 tỷ đồng và mượn bằng hiện vật không có giá trị.

Về mức thu dịch vụ xét nghiệm, một số cơ sở y tế thu cao hơn mức quy định của Bộ Y tế số tiền 58,7 tỷ đồng; chưa kịp thời điều chỉnh đơn giá theo các quy định dẫn đến thu cao hơn 2,2 tỷ đồng; sử dụng kit test mua từ nguồn ngân sách phục vụ chống dịch hoặc được phân bổ, tài trợ để thực hiện hoạt động dịch vụ là 27 tỷ đồng…

Trả lời báo chí về giá kit xét nghiệm COVID-19, ông Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết việc mua sắm tại các đơn vị diễn ra theo từng thời gian, thời điểm khác nhau, với mức giá kit xét nghiệm dao động rất lớn, thấp nhất 300.000 đồng, có nơi lên đến 1 triệu đồng/bộ.

“Ngành y tế và các đơn vị đã thực hiện tốt, giúp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, còn sai phạm của cá nhân chỉ mang tính chất cá nhân, vi phạm đến đâu xử lý đến đó và đang được các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý”, ông Họa nói, báo nhà nước dẫn lời.

Hơn 6.700 tỷ đồng sai phạm bị đề nghị xử lý

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 3.431,2 tỷ đồng; xử lý khác 3.358,5 tỷ đồng; chấn chỉnh công tác huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch; đồng thời chấm dứt việc ban hành, áp dụng mức thu chưa tuân thủ theo các văn bản quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, cơ quan này đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, UBND các quận, huyện và các cơ sở y tế thực hiện kiểm tra, rà soát, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có sai phạm) đối với các trường hợp vay mượn sinh phẩm, kit test; thực hiện xét nghiệm cộng đồng bằng kit test nhanh kháng nguyên, test RT-PCR không tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, của UBND tỉnh.

Ông Lê Tùng Lâm, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước cho biết ngày 8/4 và ngày 27/4, cơ quan này đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Công an: 3 triệu kit nhập khẩu từ Trung Quốc không liên quan vụ án Việt Á

Tại cuộc họp báo về kết quả công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Công an, ngày 3/6, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Cục phó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) trước câu hỏi phủ nhận thông tin 3 triệu kit xét nghiệm nhanh COVID-19 mà Công ty Việt Á nhập về từ Trung Quốc có liên quan đến vụ án “kit test Việt Á”.

Ông Thành cho biết trong vụ án Việt Á có 6 nhóm tội danh, cơ quan công an tập trung điều tra vào hành vi sai phạm trong sản xuất, phân phối, móc ngoặc đấu thầu và chi tiền ngoài hợp đồng để nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.

Theo ông Thành, đề tài nghiên cứu, sản xuất kit test Covid-19 do Học viện Quân y phối với Công ty Việt Á thực hiện là kit test PCR, chứ không phải kit test nhanh, và số 3 triệu kit test nhanh Covid-19 mà Công ty Việt Á nhập về không liên quan đến vụ án.

“Theo chúng tôi được biết, Việt Á đã nhập 3 triệu kit test nhanh COVID-19 từ Trung Quốc là thông qua một đơn vị để tài trợ chứ không có chuyện đưa vào dán tem của Việt Á”, ông Thành nói.

Nguyễn Quân