Viện Sinh thái học Miền Nam và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu dự trữ sinh quyển Hải Vân – Sơn Trà.

hai van - son tra
Kiến nghị thành lập khu dự trữ sinh quyển Hải Vân – Sơn Trà. (Ảnh: qua vietnamtourism.org.vn)

Kiến nghị về việc thành lập Khu dự trữ sinh quyển Hải Vân – Sơn Trà của Viện Sinh thái học Miền Nam và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng được đưa ra trên cơ sở tổng hợp các tham luận tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” được tổ chức tại TP. Đà Nẵng ngày 15/7 với sự tham gia của hơn 150 nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách của Đà Nẵng, Trung ương và các tổ chức bảo tồn trong nước.

Theo các số liệu khoa học, Sơn Trà là vùng sinh thái đặc thù của Việt Nam với ít nhất 1.010 loài thực vật và 21 loài nấm lớn, trong đó có 43 loài quý hiếm theo danh mục của Việt Nam và quốc tế.

Sơn Trà cũng là nơi sinh sống của 370 loài động vật (gồm 38 loài thú, 160 loài lưỡng cư, 52 loài bò sát, 19 loài cá và 79 loài côn trùng), trong đó có 24 loài quy hiếm trong danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của Việt Nam và quốc tế.

Đặc biệt, Sơn Trà đang là nơi cư ngụ của khoảng 700 – 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu, là loài động vật đặc hữu chỉ có riêng tại nơi này. Theo các nhà khoa học, bán đảo Sơn Trà đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen của loài động vật quý hiếm này trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Trước đó, tại buổi hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” được tổ chức ngày 15/7 tại Đà Nẵng, các nhà khoa học và chuyên gia đã đưa ra nhiều báo cáo khẳng định Sơn Trà có một hệ sinh thái được đánh giá nhất nhì thế giới.

Ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng: “Một Đà Nẵng giữ được Sơn Trà cực kỳ hoang dã bên cạnh một thành phố hiện đại sẽ là điểm đến độc nhất vô nhị trên thế giới. Sơn Trà sẽ góp phần hấp dẫn du khách từ khắp nơi và làm cho đời sống cộng đồng trở nên sung túc hơn, thu nhập của thành phố tăng trưởng bền vững hơn. Vậy chúng ta chọn môi trường, chọn cộng đồng hay chọn vì lợi ích của một nhóm những nhà đầu tư giàu có?”

Cũng tại buổi hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Hòa – Viện Hải Dương học Nha Trang cho biết hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển ở vùng ven bán đảo Sơn Trà đã giảm mạnh trong những năm qua, trong đó có đến 42% diện tích rạn san hô đã biến mất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Theo TS. Xuân Hòa, sự suy thoái các thảm có biển ở đây có thể do những tác động của các hoạt động của con người vùng ven bờ như phát triển cơ sở hạ tầng ven biển làm gia tăng trầm tích trong môi trường biển và hoạt động khai thác hải sản bằng giã cào. Các thảm có biển ở vùng biển bán đảo Sơn Trà có nguy cơ biến mất hoàn toàn nếu không được quan tâm bảo vệ.

Tham gia hội thảo, TS Phạm Viết Thuận (Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường – TP.HCM) cho rằng việc bảo tồn và phát triển kinh tế trên bán đảo Sơn Trà là “không thể đi chung, nếu có đi chung là phát triển theo hướng du lịch lữ hành, tham quan, không bao gồm lưu trú”.

Việc hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An để bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước cũng đã từng được đề cập đến trong thư kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2017 về việc xem xét lại bản “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà – TP. Đà Nẵng” với 4 kiến nghị:

  • Giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà. TP. Đà Nẵng hiện nay đã có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, thành phố hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt du khách mỗi năm (năm 2016 đón 5,5 triệu lượt du khách).
  • Chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm.
  • Hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rạn san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư.
  • Hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà (được thành lập theo quyết định số 45/QG-TTg) và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An để bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.

Diệp Thu

Xem thêm: