Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội vừa có tờ trình gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và UBND 7 tỉnh thành phố về việc xin hỗ trợ giá chạy tàu an sinh xã hội.

van tai duong sat
(Ảnh minh hoạ qua ecotrans)

Theo ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, trong nhiều năm qua Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội nói riêng và Tổng Công ty ĐSVN nói chung đã duy trì tổ chức chạy tàu khách trên các tuyến đường Hà Nội-Đồng Đăng, Hà Nội-Quán Triều, Yên Viên-Hạ Long.

Tuy nhiên, đây là những tuyến có doanh thu thấp, mât độ hành khách đi lại không cao nhưng vẫn phải chạy tàu để đáp ứng phần dân cư có nhu cầu đi lại trên tuyến và duy trì công việc cho các hệ công tác trong ngành đường sắt bố trí dọc theo tuyến.

Từ năm 2016, công ty đã được cổ phần nhưng hiệu quả kinh doanh các đoàn tàu khách năm 2017 trên 3 tuyến gồm HĐĐ5/6 (Hà Nội-Đồng Đăng) có chênh lệch thu – chi âm tới gần 8 tỷ đồng; H1901-1902 (Hà Nội-Quán Triều) âm 5,7 tỷ đồng; H51501-51502 (Yên Viên-Hạ Long) âm gần 7,5 tỷ đồng.

Do đó, công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội đề nghị Bộ GTVT, Tổng  Công ty ĐSVN trước mắt cho phép các tàu khách chạy trên các tuyến Hà Nội-Đồng Đăng, Hà Nội-Quán Triều-Yên Viên-Hạ Long được áp dụng hỗ trợ giá thực hiện nhiệm vụ vận tải an sinh xã hội.

Công ty đường sắt Hà Nội cũng đưa ra bảng dự kiến doanh thu, chi phí cho 6 tháng cuối năm (368 đoàn tàu cho mỗi tuyến), với số tiền có thể lên tới âm 12 tỷ đồng.

Mới đây, vào tháng 4/2018, Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội đã bị quy kết việc cho thuê phòng, ki ốt sai mục đích, thu không đúng quy định hơn 5 tỷ đồng. Bộ GTVT đã đề nghị Tổng công ty đường sắt Việt Nam “nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm” đối với tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý đối với Công ty cổ phần đường sắt Hà Nội và nộp vào ngân sách nhà nước số tiền sai phạm.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: