Sông Đắk Psi (Kon Tum) chỉ dài chừng 70 km nhưng đã có 10 công trình thủy điện vừa và nhỏ công suất từ 4 MW đến 30 MW được Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch.

xa lu thuy dien gay thiet hai nguoi dan
Nhiều hộ dân cho rằng việc xả lũ từ các dự án thủy điện gây hư hại đến hoa màu và cuốn trôi đất. (Ảnh: H.T/baokontum.com.vn)

Theo báo Người Lao Động, trong 10 thủy điện, có 7 thủy điện đã xây dựng xong, 2 thủy điện đang thi công và 1 thủy điện đang chuẩn bị đầu tư.

Các thủy điện nằm dày đặc ở một số xã. Riêng tại xã Đắk Pxi, ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch xã này cho biết sông Đắk Psi chảy qua xã chỉ khoảng 10 km nhưng có 5 dự án thủy điện đã hoàn thành, gồm: Đắk Psi, Đắk Psi 1, Đắk Psi 5, Đắk Trưa 1, Đắk Trưa 2; gần đó là thủy điện Đắk Psi 6 đang triển khai.

Theo kết luận từ Thanh tra Chính phủ vừa công bố đã chỉ ra việc phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ và vừa tại Kon Tum là chưa quan tâm đúng mức đến việc ảnh hưởng tới môi trường, đất rừng; chạy theo nhà đầu tư. Việc phát triển thủy điện ồ ạt tại tỉnh Kon Tum đã dẫn đến nhiều hệ lụy như người dân mất đất sản xuất, thủy điện dây dưa không bồi thường khiến đời sống người dân trong vùng thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Đơn cử, năm 2020, tài sản, hoa màu của 62 gia đình quanh lòng hồ Thủy Điện Đắk Psi 5 bị nước ngập gây thiệt hại nặng nề. Sở Công Thương xác định do lũ về quá lớn nên Thủy điện Đắk Psi bậc 1 và Đắk Psi bậc 2 (công ty cổ phần Thủy Điện Đức Nhân Đắk Psi làm chủ đầu tư) mở van xả lũ vượt giới hạn cho phép và chưa đúng quy trình vận hành hồ chứa khiến lưu lượng xả về hạ du tăng nhanh, dẫn đến lũ chồng lũ dưới hạ du. Đến nay, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện này vẫn không chịu bồi thường nên người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện.

Ông A Đe, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông), xác nhận Thủy điện Đắk Psi 2 đang nợ 1,5 tỷ đồng tiền đền bù, hỗ trợ của dân từ 2 năm qua khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đối với dự án Thủy điện Đắk Psi 6 (do Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Psi 6 làm chủ đầu tư tại huyện Đắk Hà và huyện Đắk Tô, tổng mức đầu tư 396 tỷ đồng, diện tích sử dụng khoảng 64,09 ha), Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm khi dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư mà chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Dự án khởi công khi chưa được giao đất, chưa hoàn thành chỉ trả bồi thường giải phóng mặt bằng; Chủ đầu tư đào đất, san ủi làm đập đã đổ đất thải trái phép, làm thu hẹp lòng sông Đắk Psi; tính thiếu tiền ký quỹ…

Sạt lở đất thủy điện Rào Trăng 3: Giới chức Thừa Thiên Huế được cảnh báo từ trước?

Theo kết quả khảo sát, điều tra về hồ chứa, đập và đập thủy điện tại 10 dòng sông lớn của Việt Nam những năm gần đây của tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho thấy, các hệ thống sông như sông Hồng – sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Ba, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Sêrêpôk, sông Sê San… đang có rất nhiều đập và đập thủy điện lớn nhỏ.

Cùng với công trình thuỷ nông, hồ chứa, hệ thống sông ngòi lớn của Việt Nam đang phải oằn mình gánh trên 500 công trình thủy điện lớn nhỏ.

Tại Thừa Thiên – Huế hiện có hơn chục dự án thủy điện nhỏ được cấp phép đầu tư xây dựng theo thiết kế bậc thang.

Riêng sông Rào Trăng có chiều dài khoảng 26 km nhưng đã có tới 4 dự án thủy điện với 4 bậc, tổng công suất lắp máy là 89MW đang xây dựng, sắp hoàn thành và đã đi vào hoạt động gồm: thủy điện A Lin B1 (42MW); A lin B2 (20MW); Rào Trăng 3 (13MW) và Rào Trăng 4 (14MW). Như vậy, trung bình cứ 6,5km sông Rào Trăng lại bị chia cắt bởi một công trình thủy điện.

Ở Nghệ An, dọc tuyến sông Lam, đoạn thượng nguồn bắt đầu từ các con suối bị chặn bởi chi chít thủy điện lớn nhỏ.

Cụ thể, đoạn qua địa phận huyện Tương Dương có 4 nhà máy thủy điện, bao gồm: Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, công suất 320MW; Nhà máy Thủy điện Khe Bố, công suất 100MW; Nhà máy thủy điện Nậm Nơn ở xã Lượng Minh công suất 20MW; Nhà máy thủy điện Bản Ang, ở xã Xá Lượng với công suất 17MW.

Ở Quảng Nam, hai dòng sông là A Vương, sông Kôn cũng gánh chịu 7 công trình thủy điện gồm A vương, Sông Kôn 2, Khe Diên, Đại Đồng, Sông Cùng, Za Hung, Trà Linh 3.

Minh Long