Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh giáo dục đại học, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, trước mắt đến năm 2020.

dsc 9090
(Ảnh: thptquocgia.edu.vn)

Sau hàng loạt sai phạm xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều người dân đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả và công bằng của kỳ thi “2 trong 1” này khi nó đã để lộ ra nhiều khe hở cho tiêu cực nảy sinh. Công luận đã đòi hỏi Bộ Giáo dục phải có những điều chỉnh về cách thức và quy trình thi cử.

Nhận định về vấn đề trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết sự việc sai phạm ở kỳ thi THPT Quốc gia đã gây ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của ngành Giáo dục.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, dù có tiêu cực nhưng đó chỉ là thiểu số, và không thể phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực trong công tác tổ chức, cũng như sự nghiêm túc khi làm bài thi của số đông còn lại. Ông Tuấn cho rằng kỳ tuyển sinh năm nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, là kế thừa kết quả thành công của năm 2017.

Để khắc phục những thiếu sót, ông Tuấn cho biết Bộ GD-ĐT sẽ tập trung cải tiến kỹ thuật phần mềm, quy trình tổ chức thi, chấm thi… để đảm bảo tối đa quyền lợi của các thí sinh cũng như sự nghiêm túc khách quan của kỳ thi THPT Quốc gia.

Công tác chấm thi cũng sẽ được thực hiện chấm tập trung theo cụm và tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GD-ĐT và trách nhiệm đối với các Hội đồng thi.

Về cách thức thi cử, ông Tuấn cho biết cho đến năm 2020, quá trình tuyển sinh, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm sẽ giữ nguyên.

Theo đó, tiếp tục lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh giáo dục đại học, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT Quốc gia.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: