Nền giáo dục Hàn Quốc đã có những bước đi như thế nào để giờ đây trở thành một trong những nền giáo dục hàng đầu châu Á?

julia roberts 806911 640
“Kỳ tích sông Hàn” nhìn từ giáo dục. (Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Kể từ sau Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc từ quốc gia có nền kinh tế kém phát triển đã vươn lên trở thành một trong bốn “Con hổ châu Á”. Năm 1960, GDP/người của Hàn Quốc là gần 160 USD, năm 1990: hơn 6.500 USD, năm 2017: hơn 29.700 USD[1].

Nhiều phân tích chỉ ra các nguyên nhân làm nên “Kỳ tích sông Hàn” và một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào kỳ tích đó chính là hệ thống giáo dục tạo ra nguồn nhân lực tinh hoa.

Mặc dù được biết đến với nhiều thành tựu giáo dục và được đánh giá cao trong nhiều bảng xếp hạng giáo dục của thế giới trong nhiều năm qua, nền giáo dục Hàn Quốc cũng gây nên nhiều quan ngại vì tình trạng học sinh quá áp lực, căng thẳng trong học tập và thi cử. Nhiều lời buộc tội cho rằng tình trạng này có liên quan tới tỷ lệ người dân tự tử ở nước này luôn ở mức cao trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development – OECD).

Từ năm 1990 đến 2013, trong khi tỷ lệ tự tử trung bình ở các nước OECD có xu hướng giảm khoảng 30% thì ở Hàn Quốc lại có xu hướng tăng (đến năm 2014 bắt đầu giảm dần). Năm 2013, Hàn Quốc là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước OECD, gần 30 người tự tử trên 100.000 dân[2].

Không giống như học sinh Phần Lan, học sinh Hàn Quốc phải học bài và làm các bài kiểm tra rất khắt khe. Vào kỳ thi đại học, các hoạt động xã hội được điều chỉnh để không làm ảnh hưởng đến kỳ thi và các thí sinh: các văn phòng mở cửa muộn hơn, các chuyến bay tạm dừng cất cánh và hạ cánh trong thời gian thi Nghe của môn Ngoại ngữ, bố mẹ và ông bà cùng cầu nguyện cho những sĩ tử đang căng thẳng ngồi trong phòng thi… Tương lai của người trẻ Hàn Quốc phụ thuộc rất lớn vào kỳ thi này, từ xin việc đến kết hôn và các mối quan hệ cá nhân khác… cũng như quyết định đến tương lai tươi sáng của cả gia đình.

Mặc dù vậy, nền giáo dục Hàn Quốc đã thu hút nhiều nhà giáo dục, nhà nghiên cứu từ các quốc gia đến nghiên cứu, tham khảo và học hỏi.

Tính nhất quán trong chính sách giáo dục và sự uyển chuyển theo phát triển kinh tế

8633199619 70d1e379ec z
(Ảnh: Republic of Korea/Flickr)

Không có được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Hàn Quốc đặt trọng yếu vào phát triển nguồn nhân lực. Theo sát từng giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước, nền giáo dục Hàn Quốc được định hướng bởi ba chiến lược riêng biệt nhưng thống nhất và bổ trợ cho nhau[3].

Chiến lược đầu tiên là: Hệ thống. Chiến lược này đưa ra một tiến trình thực thi chính sách một cách hệ thống bao gồm các bước: Lên kế hoạch chính sách, Thực hiện và Đánh giá kết quả. Trong đó, việc đánh giá kết quả thực thi các chính sách là rất quan trọng. Việc thành lập Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc (Korean Educational Development Institute – KEDI) và Viện Đánh giá Giáo dục Trung ương (Central Institute for Education Evaluation, sau này đổi tên thành Viện Nghiên cứu Chương trình và Đánh giá Giáo dục Hàn Quốc – Korea Institute for Curriculum and Evaluation – KICE) đóng góp lớn vào sự thành công của chiến lược này thông qua việc thực hiện nghiên cứu và cung cấp các kết quả đánh giá chính sách giáo dục cho Chính phủ.

Chiến lược thứ hai trong phát triển giáo dục của Hàn Quốc là tiếp cận từng bước: bắt đầu từ mục tiêu biết đọc biết viết cơ bản ở giáo dục bậc tiểu học, rồi nâng lên ở bậc THCS, THPT, rồi tăng dần việc tiếp cận giáo dục bậc cao (cao đẳng, đại học) và giáo dục suốt đời (lifelong education).

Chiến lược thứ ba là tiếp cận liên tục, từ tăng dần số lượng đến nâng cao chất lượng. Chiến lược này được thực hiện theo quá trình: ban đầu tập trung vào việc mở rộng tiếp cận giáo dục bậc tiểu học (mặc dù bước đi đầu tiên này gây ra tình trạng các lớp học có quá đông học sinh). Chính phủ sau đó đã giảm dần số lượng học sinh trong một lớp bằng việc xây dựng thêm nhiều trường tiểu học, từ đó nâng cao dần chất lượng giáo dục tiểu học. Các trường trung học cũng được phát triển theo tiến trình tương tự. Để tăng số lượng các trường trung học, ngành giáo dục xây thêm nhiều trường công và khuyến khích mở các trường tư, sau đó đưa ra các quy định về quản lý chất lượng chung cho khối trường trung học.

ky tich song han chinh sach giao duc
Các chiến lược phát triển của giáo dục Hàn Quốc. (Nguồn: 2016 Education for the Future/KEDI. Tr.9)

Cụ thể với ba chiến lược này, vào những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc, nền kinh tế Hàn Quốc từng bước phục hồi với sự khởi đầu bằng việc phát triển các ngành công nghiệp nhẹ. Để đáp ứng quá trình này, ngành giáo dục mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục bậc tiểu học cho mọi người dân nhằm tạo ra lực lượng lao động lớn thành thạo đọc viết cơ bản. Trong vòng 10 năm từ 1953 đến 1963, tỷ lệ người Hàn Quốc biết đọc biết viết tăng từ 30% lên đến hơn 80%[4].

Từ những năm 1960 đến 1980, Hàn Quốc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế 5 năm với kế hoạch đầu tiên bắt đầu từ năm 1962. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Hàn Quốc chuyển từ phát triển công nghiệp nhẹ sang các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp hoá chất và hướng ra xuất khẩu, đòi hỏi lực lượng lao động có nhiều kỹ năng và chuyên môn cao hơn. Sự chuyển đổi này khiến ngành giáo dục Hàn Quốc phải có bước đi mới: mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục bậc THCS, THPT, thúc đẩy giáo dục dạy nghề, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học.

19579532825 68acfda226 z
Trường Trung học Thương mại Seoul dành cho nữ sinh (năm 1964) có khoảng 2.500 học sinh, 72 giáo viên, cung cấp các khoá học về kinh tế, thống kê, đánh máy và các khoá học khác liên quan đến thương mại. (Ảnh: United Nations Photo/Flickr)

Trong giai đoạn 1970-1980, hệ thống các trường dạy nghề đào tạo ra một số lượng lớn các công nhân kỹ thuật. Với nhu cầu nhân lực cần cho công nghiệp hoá chất và công nghiệp nặng tăng lên 750.000 người, ngành giáo dục đã cung cấp số học sinh, sinh viên trong các trường kỹ thuật tăng từ 26.000 người (năm 1973) lên 58.000 người (năm 1980)[5].

Đặc biệt, ngành giáo dục Hàn Quốc chú trọng chủ yếu đến nhân tố tinh thần và kỷ luật – tạo cơ sở đạo đức mới trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá. Người lao động Hàn Quốc nổi tiếng với đức tính tiết kiệm và tinh thần cộng đồng, dù mức lương của người Hàn thấp hơn nhiều so với các nước khác cùng thời kỳ công nghiệp hoá nhưng họ có tinh thần kỷ luật cao khi làm việc và biết hy sinh cho những mục tiêu chung của đất nước[6].

Từ những năm 1980 đến nay, khi cạnh tranh kinh tế toàn cầu trở nên gay gắt hơn và các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, ngành giáo dục Hàn Quốc lại đối diện với thách thức mới là cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, ngành giáo dục Hàn Quốc chú trọng phát triển chương trình giáo dục suốt đời (lifelong education) và mở rộng phát triển giáo dục bậc cao (cao đẳng và đại học), trong đó đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của các trường và các viện.

Vào cuối những năm 1970, chính sách đào tạo ở nước ngoài và chính sách thu hút những người Hàn Quốc có học thức cao đang sinh sống tại nước nước ngoài trở về nước (kể cả họ chưa có việc làm) đã tạo nên nguồn nhân lực có giáo dục cao cho đất nước.

Với chính sách khuyến khích du học ở Mỹ và chính sách trọng dụng nhân tài của Chính phủ Hàn Quốc, năm 1990, khoảng 1/2 số tiến sĩ của Hàn Quốc (cả ở lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật) đều học ở Mỹ trở về. Năm 1991, chỉ có 25,3% số người Hàn Quốc du học Mỹ ở lại nước Mỹ, trong khi đó tỷ lệ này của người Ấn Độ là 57,5%, Trung Quốc 51,2%, Đài Loan 31,9% và Nhật Bản 31,5%. Năm 1994, trong khi mức lương của một kỹ sư sản xuất ô tô là 200.000 – 300.000 won/tháng thì một nhà khoa học người Hàn Quốc ở nước ngoài được thu hút về nước sinh sống và làm việc với mức lương 900.000 won/tháng[7].

Năm 1997, Hàn Quốc xếp hạng thứ 30 trong số các quốc gia có trình độ phát triển nguồn nhân lực cao, trong khi đó, Malaysia xếp thứ 56, Thái Lan: 67, Philippin: 77 và Việt Nam xếp thứ hạng 110[8].

Đối với giáo dục bậc cao (cao đẳng, đại học), Chính phủ Hàn Quốc ban đầu cũng tập trung vào việc tăng số lượng các trường. Từ năm 2000, ngành giáo dục chuyển trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng. Để giúp các trường và các viện nâng cao nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế, Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp rất nhiều hỗ trợ tài chính thông qua các dự án quốc gia.

Dự án Brain Korea 21 (Trí tuệ Hàn Quốc – BK 21) được thực hiện theo hai giai đoạn: giai đoạn đầu (1999 – 2005), mỗi năm Hàn Quốc đầu tư 199,5 tỷ won (tương đương khoảng 170 triệu USD); giai đoạn hai (2006 – 2012) đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD. Dự án đầu tư cho các trường đại học xuất sắc, có viện nghiên cứu tiềm năng, đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, tập trung đầu tư các dự án hợp tác giữa công nghiệp với trường đại học, giúp cho các nhà nghiên cứu có một môi trường học thuật tốt… từ đó nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường đại học[9].

4071524497 416a3c3fe2 z
(Ảnh: Aron/Flickr)

Những người trẻ tài năng nhất được thu hút để trở thành giáo viên

Từ khi bắt đầu tái xây dựng nền giáo dục, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung vào tầm quan trọng của giáo viên, do đó rất chú trọng vào việc tuyển chọn, đào tạo, nâng cao năng lực giảng dạy và tăng cường các tiêu chuẩn đánh giá.

Hiện nay, giáo viên là lựa chọn hàng đầu của người trẻ Hàn Quốc nhưng mục tiêu nghề nghiệp này không phải dễ dàng đạt được vì tỷ lệ cạnh tranh rất cao. Theo Giáo sư Kyung Hwoi Kim (Đại học Sungshin, Hàn Quốc), 57% phụ huynh Hàn Quốc hy vọng con họ trở thành giáo viên và giáo viên tiểu học được tuyển chọn từ top 5% những học sinh trung học xuất sắc nhất. Cũng theo Giáo sư, những sinh viên sư phạm ra trường nếu như không được tuyển vào giảng dạy trong các trường thì vẫn theo đuổi con đường dạy học – làm gia sư, với mức thu nhập hấp dẫn[10].

Tại Hàn Quốc, nghề giáo là nghề cao quý, được xã hội rất coi trọng. Những điều kiện này cùng với mức lương cao, ổn định, môi trường làm việc và thăng tiến tốt đã thu hút những người trẻ tài năng bước vào nghề giáo.

Hiện giáo viên cấp 2 tại Hàn Quốc có thể nhận mức lương khởi đầu khoảng 28.000 USD/năm và vào những năm cuối của sự nghiệp dạy học, họ có thể nhận mức lương lên đến 78.000 USD/năm. Mặc dù mức lương khởi nghiệp của giáo viên cấp 2 Hàn Quốc thấp hơn một chút so với mức lương khởi nghiệp trung bình của các nước OECD (32.202 USD/năm) nhưng mức lương cao nhất trung bình của các nước này là 55.122 USD/năm, thấp hơn nhiều so với giáo viên người Hàn[11].

ky tich song han luong giao vien cap 2
Tỷ lệ mức lương của giáo viên cấp 2 so với GDP/người năm 2017. (Nguồn: OECD Education at a Glance 2017 (salaries) and OECD (GDP per capita)

Ngành giáo dục Hàn Quốc rất chú trọng đầu tư cho phát triển chuyên môn và sự nghiệp của những người thầy.

Giáo viên tiểu học Hàn Quốc được đào tạo tại 10 trường đại học giáo dục quốc gia, 2 trường đại học công và một trường đại học tư thục với chương trình cử nhân 4 năm. Giáo viên cấp 2 được đào tạo phần lớn theo chương trình cử nhân với nhiều cơ sở đào tạo hơn, ở các trường cao đẳng, đại học, sau đại học về giáo dục[12]. Các chương trình đào tạo này đều phải đáp ứng tiêu chuẩn và đánh giá chung quốc gia. Để được nhận vào giảng dạy tại các trường học, giáo viên phải hoàn thành các chương trình đào tạo và vượt qua kỳ thi tuyển dụng quốc gia.

Giáo viên mới sẽ trải qua ba giai đoạn đào tạo trong trường khi nhận việc: đào tạo trước khi làm việc, đào tạo sau khi nhận việc và đào tạo giám sát.

Khi bước vào con đường truyền dạy tri thức, các thầy cô giáo Hàn Quốc sẽ có ba hướng phát triển sự nghiệp là: trở thành giáo viên cao cấp (Master Teacher), cấp quản lý (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) và chuyên gia giáo dục (như thanh tra giáo dục, chuyên gia nghiên cứu).

Do yêu cầu giảm bớt các công việc hành chính để tăng cường phát triển kỹ năng giảng dạy cho giáo viên ngày càng lớn, năm 2008, Hàn Quốc bắt đầu đưa ra chương trình Giáo viên cao cấp và thực hiện trong cả nước từ năm 2012.

Hệ thống giáo viên cao cấp được lựa chọn để khuyến khích nâng cao hơn nữa chuyên môn và trách nhiệm của giáo viên. Thông qua hệ thống đánh giá này, các giáo viên có kỹ năng giảng dạy và kỹ năng lãnh đạo đặc biệt tốt sẽ được lựa chọn để trở thành Giáo viên cao cấp. Các giáo viên này được kỳ vọng sẽ chia sẻ nhiều về mặt chuyên môn với những giáo viên ít có kinh nghiệm hơn, thiết kế chương trình giảng dạy, giúp phát triển hoạt động thực tiễn và hệ thống đánh giá. Các giáo viên cao cấp được phân công chỉ giảng dạy với số giờ bằng một nửa số giờ giảng dạy trung bình và cùng với số tiền lương hàng tháng, các giáo viên này sẽ được nhận thêm các hỗ trợ tài chính cho công việc nghiên cứu bằng nguồn ngân sách được cấp[13].

Đối với việc phát triển sự nghiệp theo hướng quản lý trường học, vị trí Hiệu trưởng rất cạnh tranh. Vị trí lãnh đạo này rất danh giá và có yêu cầu cao. Theo truyền thống trước đây, vị lãnh đạo trường học tương lai sẽ được lựa chọn từ trước nhằm đảm bảo lựa chọn được những cá nhân có phẩm chất và thành tích tốt.

Quá trình lựa chọn vị trí Hiệu trưởng rất khắt khe, các ứng viên được xếp hạng qua kinh nghiệm tích luỹ, quá trình giảng dạy và đào tạo. Một giáo viên phải có trung bình khoảng 30 năm kinh nghiệm giảng dạy trên lớp trước khi trở thành lãnh đạo trường học. Khi được lựa chọn, giáo viên giữ chức Hiệu trưởng sẽ theo học một chương trình đào tạo do Chính phủ chi trả, với số giờ đào tạo có thể là 180 giờ (trong 30 ngày hoặc hơn), với 70% – 80% nội dung khoá học liên quan đến quản lý/điều hành trường học[14]. Các lãnh đạo trường học có thể làm việc ở bất cứ ngôi trường nào trong thời gian nhiều nhất là 8 năm, sau đó sẽ được lựa chọn chuyển sang một ngôi trường khác.

Kể từ năm 2007, việc tuyển dụng Hiệu trưởng và tái bổ nhiệm được thực hiện rất linh hoạt thông qua Hệ thống Tuyển dụng Hiệu trưởng Mở, không theo phương thức bổ nhiệm truyền thống, cho phép tuyển chọn vị trí lãnh đạo trường học cạnh tranh hơn. Thông qua hệ thống tuyển dụng này, ngành giáo dục hy vọng sẽ thu hút được nhiều nhà chuyên môn trong việc điều hành trường học nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý và cải thiện chất lượng giáo dục. Thực tế cho thấy, từ khi áp dụng, hệ thống tuyển dụng mở này đem đến cho các trường người lãnh đạo chuyên nghiệp với kết quả tốt hơn trong công tác lãnh đạo, thông tin, ra quyết định và các nhiệm vụ quản lý khác[15].

Các chuyên gia giáo dục như thanh tra trường học, các chuyên gia nghiên cứu phải có tối thiểu 8 năm giảng dạy[16]. Các vị trí nghề nghiệp này không chỉ giới hạn làm việc trong trường học mà còn có thể làm việc ở Bộ Giáo dục hay các văn phòng Giáo dục địa phương.

Trong hơn 6 thập kỷ qua, với những chiến lược phát triển giáo dục, Hàn Quốc được biết đến là một trong những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang cố gắng khắc phục những hạn chế của nền giáo dục và tiếp tục hoàn thiện trước những yêu cầu mới. Trong bối cảnh hiện nay, khi đề cập đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững của một quốc gia, bên cạnh các chỉ số tăng trưởng kinh tế hay tổng thu nhập, các yếu tố về chất lượng môi trường, hệ thống y tế, sức khoẻ cộng đồng, giáo dục… cũng là những chỉ số rất quan trọng. Trong tương quan đó, đất nước Hàn Quốc để lại nhiều bài học và kinh nghiệm về giáo dục cho các quốc gia khác nghiên cứu và phát triển.

Hải Linh (T/h)

Tài liệu tham khảo:

[1] GDP per capita (current US$), Korea,Rep. The World Bank.

[2] Health at a Glance 2015. OECD Publishing. Tr.56-57.

[3] 2018 A Window into Korean Education. Korean Educational Development Institute. Tr.3.

[4] Hàn Quốc – Câu Chuyện Kinh tế Về Một Con Rồng. Hoa Hữu Lân. NXB Chính Trị Quốc Gia. 2002. Tr.164.

[5] [6] Hàn Quốc – Câu Chuyện Kinh tế Về Một Con Rồng. Hoa Hữu Lân. NXB Chính Trị Quốc Gia. 2002. Tr.167.

[7] Hàn Quốc – Câu Chuyện Kinh tế Về Một Con Rồng. Hoa Hữu Lân. NXB Chính Trị Quốc Gia. 2002. Tr.173.

[8] Hàn Quốc – Câu Chuyện Kinh tế Về Một Con Rồng. Hoa Hữu Lân. NXB Chính Trị Quốc Gia. 2002. Tr.164.

[9] Kinh nghiệm 8 quốc gia xây dựng đại học đẳng cấp thế giới. Đinh Ái Linh. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN. Nghiên cứu Giáo dục. Tập 30. Số 1 (2014). Tr.61-70.

[10] Khác Việt Nam, lương giáo viên Hàn Quốc cao ngất ngưởng. L.Thoa. Báo Người Lao Động. 2017

[11] [12] South Korea: Teacher and Principal Quality. National Center on Education and The Economy.

[13] 2016 Education for the future. Korean Educational Development Institute. Tr.26.

[14] South Korea: Teacher and Principal Quality. National Center on Education and The Economy.

[15] 2016 Education for the future. Korean Educational Development Institute. Tr.25.

[16] South Korea: Teacher and Principal Quality. National Center on Education and The Economy.

Xem thêm: