Bốn người Việt, 1 người Trung Quốc vừa bị Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Khánh Hòa truy tố về tội làm giả con dấu, tài liệu để người Trung Quốc “trở thành” người Việt Nam.

nhom 4 nguoi trung quoc kien giang
Nhóm 4 người Trung Quốc từ Quảng Tây nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, bị phát hiện tại Kiên Giang hồi đầu tháng 11/2020. Trong ảnh, 3 trong nhóm 4 người đang ở trong khu cách ly tập trung phòng bệnh COVID-19. (Ảnh chụp màn hình/kgtv.vn).

Truyền thông trong nước ngày 24/11 loan tin cho biết Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành cáo trạng truy tố 5 người, gồm Trần Quang Huy (36 tuổi), Đỗ Đăng Khoa (38 tuổi), Võ Ngọc Hòa (35 tuổi), Lê Thanh Hải (44 tuổi), cùng ở Khánh Hòa và Song Jiahao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Theo thông tin từ cáo trạng, khoảng tháng 5/2019, muốn có hộ chiếu Việt Nam, Ou Yang Chunbo (quốc tịch Trung Quốc) đã được một người Trung Quốc tên You HaiQiang (tên gọi khác A Cường) giới thiệu với Đỗ Đăng Khoa làm giấy tờ giả; hai bên thống nhất giá 55 triệu đồng.

Bị can Khoa và Huy đã làm giả lai lịch cho Ou Yang Chunbo, lấy tên Việt Nam là “Trần Dương Huy, sinh ngày 26/3/1982”, lấy hộ khẩu thường trú tại Trà Vinh sau đó làm thủ tục đăng ký thường trú tại Khánh Hòa.

Nhân đang giữ sổ hộ khẩu của ông Lương Văn Sáo (thường trú phường Vĩnh Hòa, Nha Trang), bị can Huy làm giấy tờ báo thay đổi nhân khẩu, đề nghị đăng ký nhập khẩu thường trú cho “Trần Dương Huy” vào hộ ông Lương Văn Sáo và tách thành hộ khẩu riêng nhưng có cùng địa chỉ.

Có xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu của Phó trưởng Công an phường Vĩnh Hòa, bị can Huy tiếp tục lấy được sổ hộ khẩu vào ngày 23/5/2019 do Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Nha Trang cấp.

Sau khi có sổ hộ khẩu, bị can Huy làm CMND mang tên “Trần Dương Huy”. Để tránh bị phát hiện là người Trung Quốc, các bị can Khoa, Huy nói “Trần Dương Huy” bị thiểu năng, không thể giao tiếp. Bị can Khoa đã nhờ một công an dẫn hai người là Huy và “Trần Dương Huy” vào làm thủ tục nhanh, sau đó lấy được CMND vào ngày 30/5/2019.

“Trần Dương Huy” sau đó được Phòng Quản lý xuất nhập cảnh gửi giấy hẹn lấy sổ hộ chiếu vào ngày 28/6/2019. Do “Trần Dương Huy” không có mặt tại Khánh Hòa nên Khoa đã liên hệ với một số người ở Nha Trang để công chứng giấy ủy quyền khống cho Nguyễn Phúc Hòa đi nhận thay. Tới khi Hòa đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nhận hộ chiếu thì sự việc mới bị phát hiện.

Trước đó, nhóm người này đã “biến” Song Jiahao thành “Nguyễn Khang Tinh”, hộ khẩu tại Nha Trang thành công với giá 200 triệu đồng. Sau khi có CMND và sổ hộ khẩu quốc tịch Việt Nam, Song Jiahao đã mở ba tài khoản tại ba ngân hàng tại Agribank Khánh Hòa, Vietcombank Khánh Hòa, đăng ký mua ô tô và dự định mua bất động sản tại Nha Trang. Công an Khánh Hoà chỉ mới phát hiện hộ khẩu, CMND giả của Song Jiahao vào ngày 4/8/2020 vừa qua sau khi kiểm tra hành chính.

Công an chỉ bị kiểm điểm vì không phát hiện giấy tờ giả mạo

Ngoài 2 vụ làm giả hồ sơ từ người Trung Quốc thành người Việt Nam nói trên, từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2020, nhóm người trên đã làm 1 vụ giả hồ sơ đối tượng bị truy nã thành tên khác; 1 vụ giả hồ sơ cho 2 Việt kiều Australia chuyển khẩu từ xã Trần Thới (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) về TP Nha Trang; 1 vụ giả hồ sơ cho 1 người có quốc tịch Hoa Kỳ thành người Việt Nam; 1 vụ làm giả giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho một cô gái tại Nha Trang; 1 vụ làm giả hồ sơ cho một người đàn ông trú ở tỉnh Đắk Lắk đủ điều kiện cho con đi học tại TP Nha Trang.

Ngoài 5 bị can bị truy tố, cáo trạng cho biết có nhiều người giúp đỡ cho nhóm đối tượng nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự, một số cán bộ công an cũng bị kiểm điểm, xử lý hành chính vì không phát hiện các tài liệu giả do nhóm bị can trên làm ra.

Tháng 5/2020, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết các doanh nghiệp có vốn Trung Quốc đang sử dụng hơn 162.000 ha đất tại Việt Nam, trong đó có hơn 6.300 ha đất biên giới, ven biển.

Đà Nẵng tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhất (22 DN). Tiếp đến là Quảng Ninh (17), Hải Phòng (16), Bình Định (9), Hà Tĩnh (5), Bình Thuận (5)…

Tại Đà Nẵng, phát hiện nhiều lô đất đang do người Trung Quốc sở hữu, thuê người Việt Nam đứng tên. Các lô đất này nằm tại các vị trí quan trọng trong thành phố như dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp (thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn); khu đô thị các phường, Thọ Quang (quận Sơn Trà).

Nguyễn Sơn

Xem thêm: