Các chất gây nghiện có trong lá cần sa được chiết xuất rồi trộn với nguyên liệu làm bánh, hương liệu rồi đem nướng hoặc hấp, thành Lazy Cakes hay “bánh lười” – một trá hình mới của ma túy. 

lazy cakes hay banh luoi khi can sa duoc che vao banh ngot
“Lazy Cakes” hay còn có tên gọi là “Bánh lười” là một biến tướng trá hình của cần sa, khi chất gây nghiện được chiết xuất rồi làm thành bánh ngọt. (Ảnh: HCDC)

Thời gian gần đây, Công an TP.HCM, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát thông tin cảnh báo về một biến tướng mới của ma túy dưới dạng bánh ngọt có tên là “Bánh lười” hay “Lazy Cakes” đang xâm nhập vào Việt Nam, mà người sử dụng không biết.

Nếu như bột nước trái cây là một biến tướng của ma túy lắc dưới dạng bột hương trái cây hòa tan trong nước để uống, thì bánh lười là một dạng biến tướng của cần sa dưới dạng bánh ngọt. Đây không phải là loại ma túy mới, chỉ là dạng bào chế mới để đánh lạc hướng và sử dụng tiện lợi hơn.

Thành phần nguyên liệu để làm bánh là cần sa. Các chất cannabinols hoặc chất tetrahydrocannabinol (THC) có trong lá cần sa được chiết xuất thành dung dịch, sau đó trộn với các nguyên liệu làm bánh và thường được trộn thêm hương dâu, socola để hóa giải mùi khét đặc trưng của cần sa, rồi làm chín bằng cách nướng hoặc hấp và đóng gói bán ra.

Bánh có màu nâu đen, khi ăn thấy vị ngọt thanh, thơm mùi socola, cacao. Hiện nay, giá bán bánh lười này không hề rẻ, khoảng 200.000 – 300.000 đồng/bánh và đang có xu hướng lan truyền trong giới học sinh, sinh viên. Loại bánh ngọt nguy hại này đã du nhập vào Việt Nam khoảng 4 năm, nhưng gần đây mới được các nhóm tội phạm đẩy mạnh mua bán.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) dẫn lời bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết chất THC có trong lá cần sa có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương tạo nên cảm giác sảng khoái, hưng phấn nhưng nhẹ hơn so với ma túy lắc hay đá, sau đó chuyển sang trạng thái ức chế, tạo ra cảm giác thư giãn và an thần – gây ngủ nhẹ.

“Tuy cần sa có mức độ gây lệ thuộc thấp hơn heroin hay ma túy lắc/đá nhưng nếu sử dụng lâu dài sẽ gây những tổn hại trên hệ thần kinh trung ương, có thể gây kém tập trung và suy giảm nhận thức.

Các thống kê cho thấy, hầu hết những người sử dụng cần sa sau một thời gian, sẽ nâng cấp lên các loại ma túy khác nặng đô hơn như heroin, lắc, đá, ketamine, cho nên có thể nói, cần sa là sự khởi đầu của mọi tình trạng nghiện ngập” – theo bác sĩ Hiển.

Ngoài ra, bác sĩ Hiển cho hay một số nghiên cứu và thống kê cho thấy tỷ lệ người bị bệnh tâm thần phân liệt tăng cao một cách bất thường trên quần thể những người có sử dụng cần sa. Đó là lý do mà hầu hết các quốc gia trên thế giới cấm sử dụng cần sa dù cần sa được xem là ít gây tác hại.

Bác sĩ Hiển khuyến cáo các phụ huynh không nên cho con mình quá nhiều tiền và các trường học cần phổ biến về tác hại của ma túy, để giới trẻ không bị vướng vào ma túy, không thử dù chỉ một lần.

Tình trạng ma túy được trá hình dưới dạng như nước vui, đông trùng, nước xoài, kẹo socola, bánh… đang trở nên phổ biến. Gần đây nhất, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Phạm Thị Ch. (nữ, SN 1966 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn phải bỏng ngô nghi có tẩm cần sa. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC.

Theo thông tin từ người nhà, tầm 16h30 ngày 29/11, bệnh nhân Ch. ăn 2 miếng bỏng ngô do con trai đặt mua trên mạng. Sau 1 tiếng, chị Ch. cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ, được người nhà đưa đi cấp cứu.

Theo Trung tâm Chống độc, đây là lần đầu tiên cơ sở này tiếp nhận trường hợp ngộ độc cần sa sau ăn bỏng ngô. Trước đó, nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào đã được tiếp nhận.

Ngày 6/12, Công an quận Hoàng Mai phối hợp cùng các đơn vị chức năng làm việc với nữ bệnh nhân trên cùng chồng và con trai. Người con trai (SN 1998) thường mua bán hàng qua mạng xã hội. Sau khi mẹ bị ngộ độc, người con trai này liên lạc lại với hội nhóm bán bỏng ngô trên Telegram thì nhóm này cắt đứt liên lạc.

Thạch Lam – Nguyễn Sơn