Liên quan tới việc khai ấn, phát ấn, TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học Việt Nam) lên tiếng khẳng định “tiểu sử” của “lễ phát lương” ở đền Trần Thương (Hà Nam) “hoàn toàn là hư cấu” cũng như đặt nghi ngờ về giá trị của tờ in ấn được phát.  

Lễ hội phát lương
100.000 túi lương đã được phát tại đền Trần Thương (Hà Nam) năm 2014. (Ảnh: nld.com.vn)

Trong năm nay, ngày 10-12/2 (tức từ đêm 14-16 tháng giêng) sẽ diễn ra Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương (Hà Nam). Số lượng túi lương đã được chuẩn bị là 150.000 túi, phát tại 37 điểm quanh khu vực đền.

Lễ khai ấn tại đền Trần Thương (xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) lần đầu tiên được tổ chức vào đêm 27/2/2010 (14 tháng giêng âm lịch). Lễ hội bao gồm các nghi lễ dâng hương, mở kho lương, đóng ấn và phân phát túi lương cho người dân dự lễ hội. Túi lương đựng mấy hạt ngô (bắp), thóc nếp và tờ ấn của vua Trần. Túi lương không bán mà nhận tiền công đức.

Nguồn gốc lễ phát lương được giải thích rằng theo tương truyền đền Trần Thương từng là kho lương chính của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn để phục vụ cuộc đánh quân Nguyên Mông lần thứ hai (1285).

Sử sách không ghi chép về kho lương thực của nhà Trần ở đây. Còn việc tổ chức lễ là từ truyền thuyết dân gian kết hợp với tục phát lương của người dân nơi đây. (TT&VH/Vietnam+, ngày 5/2/2010).

Năm 1989, đền Trần Thương được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia. Đến đầu năm 2016, cả Đền Trần Thương và lễ phát lương Đức Thánh Trần được nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Cùng theo việc nâng cấp về xếp hạng di tích, số lượng “túi lương” được phát ra tăng lên theo từng năm. Năm 2010, khoảng 5.000 túi lương và tờ in ấn vua Trần được phát cho người tham dự. Tuy nhiên, đến sát ngày tổ chức, ban tổ chức thông báo số lượng túi lương đã tăng lên 18.000 so với con số 5.000 lúc ban đầu. Năm 2011, số lượng túi lương được thông báo là 30.000 túi, năm 2013 tăng lên 88.800 túi, năm 2014 là 100.000 túi và kể từ năm 2015 tới nay là 150.000 túi.

Lễ hội phát lương
Một điểm phát lương tại đền Trần Thương (Hà Nam). (Ảnh: FB Lễ Hội Phát Lương Đức Thánh Trần/2016)

TS Nguyễn Hồng Kiên đặt nghi vấn về tính xác thực của lễ phát lương, cũng như về túi lương được phát. Ông cho hay, “tiểu sử” của “lễ phát lương” ở đền Trần Thương (Hà Nam) là “hoàn toàn là hư cấu“. Những cơ sở được dẫn giải chỉ dựa trên truyền miệng dân gian, thiếu bằng chứng sử liệu và chứng cứ khảo cổ học.

Ngoài ra, theo TS Kiên, dù có tin theo truyền miệng dân gian rằng ở đây từng là kho trữ lương thời Trần thì việc cho tờ in ấn vua Trần vào trong túi lương gồm ngô vàng, thóc nếp cũng cần đặt câu hỏi như: “Ấn vua Trần” mượn đâu về?. Ông khẳng định, hiện “không có một cái ấn nào, không có một lễ khai ấn nào có được bất kỳ một căn cứ lịch sử và khoa học”. (Tuổi Trẻ, ngày 8/2/2017)

“Cần “giải thiêng” giá trị ảo của những lá ấn”

Năm 2010, PGS Lương Hồng Quang, Viện phó Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho hay cần “giải thiêng” giá trị ảo của những lá ấn. Nhận định này được đưa ra khi nhiều nhà nghiên cứu sử học, văn hóa dân gian cùng khẳng định “khai ấn đền Trần” không phải là để phong chức tước mà lễ khai ấn là việc mở đầu công việc triều đình hàng năm.

Theo TS Nguyễn Hồng Kiên chuyện khai ấn có hai nguồn gốc: Một, các cấp chính quyền thời quân chủ có lệ phong ấn (cuối năm bọc ấn lại cất đi) và khai ấn (đầu năm mở ấn bắt đầu làm việc). Hai, các đền thờ (có liên quan đến Đức Thánh Trần) đóng ấn có tính chất tôn giáo-tín ngưỡng. (Người Lao Động, 2/2/2012)

Năm 2011, trong đề án “Khôi phục lễ hội đền Trần”, các chuyên gia lịch sử, ấn tín cùng các nhà văn hóa dân gian đã xác định chiếc ấn dùng trong lễ khai ấn đền Trần hiện nay không liên quan đến triều chính mà chỉ là chiếc ấn bình thường của phủ đền xưa, làm bằng gỗ. Do vậy, ấn không mang lại lợi lộc trong thăng quan tiến chức như nhiều người lầm tưởng.

PGS.TS Lương Hồng Quang cho rằng khai ấn đền Trần chỉ là lễ hội mang tính chất vùng miền của tỉnh Nam Định, nhưng hiện giờ có xu hướng mở rộng ra nhiều tỉnh với sự tham gia của nhiều người, thậm chí là quan chức.

Hiện 3 tỉnh liền nhau cùng tổ chức hội đền Trần: Hội đền Trần ở Thái Bình (từ 13-18 tháng giêng), lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định (đêm 14-15 tháng giêng) và lễ phát lương đền Trần Thương ở Hà Nam (từ đêm 14 tháng giêng) với những nghi lễ khai ấn và phát ấn, nhận tiền công đức quy mô lớn.

Vĩnh Long (T/h)

Xem thêm: