Kể từ chiều tối 6/10, sau gần một tuần mưa lớn do áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão và nhiều hồ thủy điện xả lũ, số người tử vong tiếp tục tăng cao, lên 28 người ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Nhiều tỉnh đang đề xuất được hỗ trợ khẩn cấp gạo, mì tôm, thiết bị cứu hộ cứu nạn.

mua lu mien trung 1
Nước ngập ngang cổng, người dân nhận cứu trợ từ một nhóm tình nguyện, tại Làng Nhan Biều Triệu Thượng Triệu Phong Quảng Trị. (Ảnh: FB Nguyễn Bình Nam)

Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 13/10, trong mưa lũ ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, 28 người đã tử vong, tăng thêm 10 người so với thống kê vào cuối ngày 11/10. Trong đó, 22 người chết do bị lũ cuốn trôi; 3 người chết do các vụ tàu, thuyền gặp sự cố, chìm đắm; 3 người chết do tai nạn điện giật khi dọn dẹp sau mưa lũ.

Quảng Trị có số người tử vong cao nhất, 8 người. Tiếp đến, Quảng Nam 6 người, Thừa Thiên – Huế 5 người, Quảng Bình 2 người, Kon Tum 2 người, Đà Nẵng 1 người, Quảng Ngãi 1 người, Gia Lai 1 người, Đắk Lắk 1 người, Lâm Đồng 1 người.

Ngoài ra, ở các tỉnh miền Trung đang còn 12 người mất tích, trong đó, 4 người là thuyền viên mất tích trên biển, 8 người bị lũ cuốn trôi.

Sau một tuần mưa lũ, ngày càng thêm nhiều cái chết đột ngột, thương tâm xảy đến.

Tại Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, sáng 12/10, một sản phụ trên đường đi sinh, khi đi ghe để vượt qua chỗ ngập thì bất ngờ ghe bị lật. Người chèo ghe và người lái taxi gần đó nhảy xuống tìm cứu nhưng không được. Tang thương ập đến đột ngột, người chồng đau đớn, gào khóc van xin dòng lũ trả lại vợ con cho anh. Gần 3 tiếng sau, thi thể chị được tìm thấy cách chỗ ghe lật khoảng 100m.

 Chồng sản phụ khóc đau đớn, bất lực trên bờ trước bi kịch xảy đến đột ngột. (Nguồn: FB Review Phong Điền)

Chiều cùng ngày, tại Kon Tum, chị Y Liên (22 tuổi) cùng hai người bạn đi qua điểm sạt lở thuộc xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông thì xe bị tắt máy. Lũ tràn về nhanh khiến chị Y Liên bị cuốn trôi. Một giờ sau, thi thể chị được tìm thấy.

Cũng tại Kon Tum, tối 12/10, trung úy biên phòng Phạm Ngọc Hải (39 tuổi, Đồn Sông Thanh thuộc xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei) đi tuần tra qua đập tràn, không may bị dòng nước cuốn. Sáng 13/10, thi thể anh Hải được tìm thấy cách chốt khoảng 300 m.

nguoi chet trong mua lu
Một đám tang được đưa trong mưa lũ. (Ảnh: dẫn qua FB Nguyễn Văn Phước)

Trước đó, tại Quảng Nam sáng 11/10, thi thể hai vợ chồng là anh Lê Tự Quốc (26 tuổi) và chị Lê Thị Hoài Sương (23 tuổi), được người dân phát hiện sau khi mất tích từ chiều hôm trước. Hai vợ chồng đi đám cưới người thân, khi đi chưa có lũ, khi trở về lũ dâng cao, chảy xiết, cả hai bị cuốn trôi, để lại con nhỏ mới 25 tháng tuổi.

Tại Quảng Trị, 6 tàu neo đậu tại cảng Cửa Việt bị trôi dạt và mắc cạn. Trong 46 thuyền viên trên 6 tàu bị nạn, 2 thuyền viên đã tử vong, một thuyền viên của tàu Vietship TK12 mất tích đang được tìm kiếm…

Nhiều tỉnh miền Trung xin cứu trợ 

Từ ngày 10/10, 4 thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 và Sông Tranh 2 tại Quảng Nam đã đồng loạt xả nước điều tiết lũ xuống hạ du. Tại Thừa Thiên-Huế, thủy điện Hương Điền đã xả lũ từ hôm 9/10, tới chiều 11/10, cùng thủy điện Bình Điền và hồ Tả Trạch tăng lưu lượng xả lũ về hạ du để đón đợt mưa mới do hoàn lưu bão số 6.

Tính đến 18h ngày 11/10, 45.835 người thuộc 15.392 hộ đã được sơ tán, tăng 4.749 hộ/13.987 người so với báo cáo nhanh ngày 11/11, trong đó nặng nhất là tỉnh Quảng Trị (6.774 hộ/19.900 người) và Thừa Thiên Huế (6.709 hộ/19.522 người).

Sang đến ngày 13/10, vẫn còn 217 xã, phường với 111.329 hộ bị ngập lụt.

hue mua lu
Xóm 17 Thành Trung, Quảng Thành, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, lúc 7h35 sáng ngày 13/10/2020. (Ảnh: Nguyen Vu Hoang/dẫn qua FB Huế)

Hiện các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam đã có văn bản xin hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia gồm 6.500 tấn gạo và 20.000 thùng mỳ tôm, cùng nhiều loại thuốc khử trùng, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn.

Đáng chú ý, chiều 12/10, Tuổi Trẻ Online cho biết một người dân địa phương gọi điện báo cho Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở do mưa lũ, vùi lấp hơn 10 nhân viên đang làm việc tại đây. Hiện chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đang xác minh sự việc.

Trước lúc có thông tin báo sạt lở, tại Thủy điện Rào Trăng 3 có khoảng 17 nhân viên đang làm việc. Nhưng do đường vào bị chia cắt, bên trong không có sóng điện thoại nên bên ngoài không liên lạc được với người trong nhà máy. Sáng 13/10, ông Dương Văn Quý – phó giám đốc Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3, cho biết công ty sẽ thuê trực thăng bay lên khu vực thủy điện để xác minh thông tin thủy điện bị sạt lở.

Nguyễn Quân

Xem thêm: