Đó là đề xuất của đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp Quốc hội.

truong trong nghia tphcm 2
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. (Ảnh chụp màn hình)

Ngày 4/9, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể thẩm tra nội dung phòng, chống tội phạm; giải quyết khiếu nại tố cáo; thi hành án.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết hiện tham nhũng xuất hiện ngay trong cơ quan có chức năng chống tham nhũng, tội phạm xảy ra ngay trong một số bộ phận cơ quan phòng chống tội phạm, đặc biệt là một số vụ án gần đây liên quan đến công an, quân đội. Bà Nga đề nghị làm rõ mặt được và chưa được từ những vụ án vừa qua.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng công tác phòng ngừa tội phạm, giảm thiểu tội phạm còn đang đi sau, chủ yếu là chữa cháy.

Nhiều trường hợp người phạm tội vừa thực hiện hành vi vừa chuẩn bị cho đường lui từ nhiều năm trước, từ việc mua nhà cửa ở nước ngoài, tích lũy tài sản, đưa con cái đi thoát ly, lo giấy tờ để thoát ra ngoài.

Điều này gây nên những bất công rất lớn trong khi các cơ quan bảo vệ pháp luật lại rất vướng về quyền hạn, hoạt động khi truy tìm tội phạm, dấu vết của hoạt động tội phạm ở nước ngoài, trong đó có việc điều tra tài sản.

Ông Nghĩa còn đặt vấn đề về việc kiểm soát những hoạt động khi lực lượng vũ trang tham gia làm kinh tế như trong vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”,…

Ông Nghĩa đặt câu hỏi vậy những người lãnh đạo trực tiếp của những người này là ai mà để xảy ra như vậy. Cơ chế để chống những bình phong cho các hành vi lợi dụng thế này cần đánh giá sao? Việc làm kinh tế của lực lượng vũ trang như vậy thì mục đích chính là để làm giàu hay là để phục vụ người dân? Vì sao họ có tài sản lớn như vậy?…

Do đó, ông đề nghị Chính phủ tích cực hợp tác tương trợ tư pháp với các nước châu u, Mỹ; đồng thời, phải tăng cường làm việc với các chế định quốc tế để truy ra được nguồn gốc tài sản, tài khoản ngân hàng và kết luận được tội phạm về tham nhũng.

Ngoài ra, liên quan đến Luật Biểu tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng biểu tình là quyền Hiến định của công dân, nếu xử lý không khéo thì coi những người đi biểu tình là tội phạm, là xấu hết, trong khi chưa có Luật Biểu tình.

Luật này đã lùi, đã hoãn nhiều lần nên càng khó thì càng nên nghiên cứu để ban hành chứ không nên bỏ dở.

Vị đại biểu Nghĩa cũng đề nghị nên tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt tập thể để người dân có chỗ mà mở miệng.

Hoàng Minh

Xem thêm: