Ngày 12/6, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua Luật cạnh tranh, nhưng ít ai biết nội dung chống bán phá giá, khuyến mại không lành mạnh đã bị nhấc ra khỏi dự thảo Luật cạnh tranh trình Quốc hội lần này.

Chiêu thức định giá huỷ diệt để xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường

Mai Linh là một trong số hàng trăm doanh nghiệp vận tải taxi đứng trước bờ vực phá sản sau hai năm Grab, Uber bước chân vào thị trường Việt Nam. Với hàng ngàn tỷ đồng đổ vào thị trường để khuyến mại cho khách hàng, hỗ trợ cho tài xế, số lượng xe Grab, Uber (nay đã sáp nhập thành Grab) đã tăng lên nhanh chóng trong khi số đầu xe taxi nội sụt giảm không phanh.

Vinasun – một doanh nghiệp taxi lớn tại Tp.Hồ Chí Minh cũng lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Chỉ trong hai năm, hơn 10.000 lái xe buộc phải nghỉ việc, hơn 2.000 đầu xe nằm bãi, doanh thu giảm chỉ còn một nửa khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp này chỉ bằng 1/3 trị giá ba năm về trước. Lỗ dài từ hoạt động kinh doanh vận tải, Vinasun giờ chỉ sống dựa vào nguồn thu từ nhượng quyền thương mại và thanh lý xe. Không biết các doanh nghiệp Việt này sẽ tồn tại được bao lâu nếu các chiêu thức bán phá giá, khuyến mại ‘huỷ diệt’ của Grab vẫn tiếp tục diễn ra, chưa tới hồi kết.

ca lon ca be

Số liệu tài chính của Grab cho thấy doanh nghiệp này liên tục báo lỗ kể từ khi đặt chân vào thị trường. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thuế, trong 3 năm 2014-2016, Grab lỗ 938 tỷ đồng. Riêng năm 2017, Grab lại tiếp tục lỗ 788 tỷ đồng nữa. Phần lớn số lỗ được chi cho khuyến mại khách hàng và hỗ trợ tài xế bằng tiền, trực tiếp trên cước phí các chuyến xe. Số tiền lỗ tương ứng với khoản nợ từ Grab Malaysia.

Không chỉ thị trường vận tải taxi, nhiều ngành sản xuất, kinh doanh của Việt Nam đã biến mất và đang dần biến mất trước những cơn lốc giá của các hãng nước ngoài.

Điển hình ngành hoá mỹ phẩm, chăn nuôi, … cũng đang bị lũng đoạn, chi phối bởi vài ba doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chịu nổi “nhiệt giá” đã buộc phải rời khỏi thị trường.

Khi đã thống lĩnh thị trường, các tập đoàn mới lũng đoạn giá cả. Thủ đoạn dẫn dắt giá trên thị trường của các tập đoàn có vốn nước ngoài được thực hiện rất tinh vi. Bước vào siêu thị, người tiêu dùng những tưởng mình có vô vàn sự lựa chọn. Hàng trăm thương hiệu, hàng trăm chương trình khuyến mại giảm giá được bày sắp rất vui mắt nhưng thực chất đó đều là sản phẩm của chỉ vài ba tập đoàn đa quốc gia. Nâng giá cao rồi khuyến mại một ít, giữ giá thấp nhưng lại thay vào hàng kém chất lượng là cách các hàng độc quyền hay làm để thu hồi lại vốn của mình. Điều này lý giải tại sao cùng một thương hiệu, cùng một model sản phẩm, mà hàng tiêu thụ tại Châu Âu, Mỹ, Nhật lại có chất lượng cao hơn hẳn sản phẩm cùng hãng sản xuất tại Việt Nam.

Luật cạnh tranh nhiều quốc gia cấm bán phá giá (dumping), bán dưới giá thành (undercutting pricing), định giá “ăn thịt” (predatory pricing)

Bề dày của các nền kinh tế thị trường giúp các nhà lập pháp các nước hiểu được mối nguy hại của việc bán hàng hoá dưới giá thành. Hám rẻ là tư duy của người tiêu dùng, nhưng không thể là tư duy của các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách. Duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh mới là điều các Chính phủ nên làm, phải làm.

Đổ tiền giai đoạn đầu là phương thức những tập đoàn tài chính mạnh thường dùng để hất đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường. Chính vì vậy, các hành vi bán phá giá, bán hàng thấp hơn giá thành, trợ giá, khuyến mại giảm giá được liệt kê vào những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bị cấm tại nhiều quốc gia.

Tại Australia, năm 2007, đạo luật Thực tiễn thương mại (Trade Practices Act 1974) đã bổ sung một điều khoản cấm bán phá giá. Điều khoản này nhằm bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước nguy cơ bị các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thôn tính.

Luật cạnh tranh Canada có điều khoản 78 cấm các doanh nghiệp được bán hàng hoá thấp mà không có lý do hợp lý nhằm mục đích loại bỏ các đối thủ trên thị trường.

Tại Mỹ, hành vi định giá huỷ diệt có thể bị kiện vì vi phạm luật chống độc quyền nhằm bảo vệ lợi ích dài hạn của người tiêu dùng.

Tương tự, các đạo luật cạnh tranh, chống độc quyền của Ấn Độ, Thuỵ điển, Hy Lạp, Đan Mạch, Nga,… cũng đều  xác định hành vi định giá dưới giá thành là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm luật.

Dự thảo Luật cạnh tranh Việt Nam không đề cập tới vấn đề bán phá giá, trợ giá, bán hàng thấp hơn giá thành

Điều 46, Dự thảo Luật cạnh tranh quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm: Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh; Ép buộc trong kinh doanh; Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác; Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; Lôi kéo khách hàng bất chính; Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại các luật khác. Năm nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không hành vi nào nhắc tới giá.

Bỏ hành vi bán phá giá, bán thấp hơn giá thành, các biện pháp trợ cấp giá ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật cạnh tranh chẳng khác gì lấy đi linh hồn của luật bởi lẽ đây hành vi vi phạm chủ yếu nhất, có tác nhân trực diện phá vỡ môi trường cạnh tranh. Rũ bỏ trách nhiệm với các hành vi bán phá giá, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia chỉ còn vài ba việc liên quan tới bếp núc, xử lý cãi vã giữa các doanh nghiệp mà thôi.

Ông Hồ Quốc Phi – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc từng thốt lên, nếu lần này Quốc hội thông qua Luật cạnh tranh mà bỏ sót điều khoản bán phá giá là một lỗi lớn, không thể tưởng tượng được. Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch  Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng khẩn thiết các đại biểu Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này, và hãy nhớ rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được bảo vệ, có quyền được bảo vệ.

Chỉ còn vài ngày nữa (12/6), Luật cạnh tranh sẽ được bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội. Liệu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp có được ghi nhận không, cần phải chờ bản dự thảo cuối cùng do cơ quan thẩm tra trình Quốc hội trước khi bấm nút.

Vĩnh Long

Xem thêm: