Các luật sư bào chữa vụ án Đồng Tâm cho biết họ đã nhiều lần đến gặp Kiểm sát viên tại Viện kiểm sát TP. Hà Nội để sao chụp hồ sơ vụ án nhưng đều không được. Các luật sư lo ngại rằng, một số cán bộ của các cơ quan tố tụng tại Hà Nội tìm mọi cách gây khó khăn cho họ trong vụ án này.

đồng tâm
Lực lượng cảnh sát cơ động dựng rào chắn tại xã Đồng Tâm sáng ngày 9/1. (Ảnh cắt từ clip/FB Trân Khanhduy)

Hôm 25/6, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản gửi Viện kiểm sát TP. Hà Nội liên quan đến “đơn kêu cứu” từ các luật sư bào chữa trong vụ án Đồng Tâm.

Trong đơn, các Luật sư cho biết họ đã nhiều lần đến Viện kiểm sát TP. Hà Nội để gặp kiểm sát viên thụ lý vụ án, nhưng đều bị gặp khó khăn trong việc tiếp cận, sao chụp hồ sơ.

Đến chiều hôm 24/6, “nhiều luật sư cùng đến Viện kiểm sát TP. Hà Nội yêu cầu được tiếp cận, nghiên cứu, sao chụp hồ sơ vụ án theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; đã gọi và nhắn tin với Kiểm sát viên thụ lý vụ án nhưng vẫn không được trả lời. Một nữ cán bộ phòng Tiếp dân trả lời là Kiểm sát viên này đi vắng, thực chất là tiếp tục lảng tránh, gây khó khăn cho các luật sư thực hiện nhiệm vụ của mình. Chúng tôi đã làm văn bản tại trụ sở Viện kiểm sát, một lần nữa yêu cầu Viện kiểm sát phải tạo điều kiện cho các luật sư được tiếp cận hồ sơ vụ án theo quy định.

Chúng tôi lo ngại rằng, một số cán bộ của các cơ quan tố tụng tại Hà Nội tìm mọi cách tiếp tục gây khó khăn cho các luật sư trong vụ án này”, các luật sư cho biết.

Do đó, các luật sư trân trọng đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có biện pháp hỗ trợ và bảo vệ quyền hành nghề của các luật sư, trước mắt có văn bản yêu cầu Viện kiểm sát TP. Hà Nội phải tạo mọi điều kiện cho các luật sư thực hiện nhiệm vụ của người bào chữa trong vụ án này.

don de nghi ho tro luat su 1

don de nghi ho tro luat su 2
Đơn đề nghị từ phía các luật sư bào chữa.

Sau khi nhận được đơn của các luật sư, trong văn bản gửi Viện kiểm sát TP. Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận định: “Việc các Luật sư sau nhiều ngày chưa được tiếp cận để sao chụp hồ sơ vụ án đã làm ảnh hưởng đến quyền hành nghề hợp pháp của luật sư và quyền của người bị buộc tội đã được quy định tại Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp 2013; Điều 16 và Điểm (a) Khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; Điểm (a) Khoản 1 Điều 21 Luật Luật sư 2012”.

Nhằm bảo đảm quyền bào chữa của các Luật sư và quyền nhờ luật sư, người khác bào chữa của các bị can theo quy định của pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Lãnh đạo VKSND TP. Hà Nội xem xét, kiểm tra việc kiểm sát viên thụ lý vụ án đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng, tạo điều kiện cho các Luật sư được sớm tiếp cận, sao chụp hồ sơ vụ án nhằm tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội trong giai đoạn truy tố.

Vụ án Đồng Tâm đã kết thúc giai đoạn điều tra từ ngày 5/6 và hồ sơ được chuyển đến Viện kiểm sát TP. Hà Nội để truy tố 29 bị can, trong đó hầu hết là con cháu cụ Lê Đình Kình, với hai cáo buộc “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ.”

Theo Bộ Luật hình sự năm 2015, với cáo buộc như trên, những bị can này đang đối diện với bản án tử hình, nhẹ nhất cũng là tù chung thân.

29 người dân Đồng Tâm bị truy tố: Cáo trạng còn nhiều mâu thuẫn

Luật sư Ngô Anh Tuấn, người bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm viết trên trang cá nhân:

“Mạng sống của bất kỳ ai cũng vô cùng quý giá với bản thân họ, với bạn bè, người thân yêu của họ. Do vậy, cái chết của bất kỳ ai, dù là một người được vinh danh là liệt sỹ xả thân vì đất nước hay là một tử tù cũng là một sự mất mát, đau thương với người thân, bè bạn của họ. So sánh như vậy để thấy rằng, không ai được quyền tước đoạt quyền được sống của một con người; cũng không ai được quyền tước đoạt quyền được biết là tại sao mạng sống của người thân mình bị tước đoạt.

Không ai được xem là có tội trước khi có bản án có hiệu lực pháp luật của toà án. Cơ quan điều tra hay bất kỳ một cơ quan nào khác không thể thay mặt toà án phán xét một người có tội hay không có tội và quy chụp, loại bỏ các quyền công dân cơ bản của một hoặc một số người nào đó…

Cái chết của 3 chiến sỹ công an được đánh đổi bằng việc bị bắt, bị giam giữ và thời gian tù tội dài đằng đẵng phía trước của 29 người mà đa số họ vốn dĩ là những người nông dân, quanh năm quanh quẩn bên bờ tre, gốc rạ, không mấy khi bước ra khỏi cổng làng.

Trong số những người đang bị giam giữ, có người thậm chí còn phải đối diện với bản án cao nhất của khung hình phạt và có thể không còn cơ hội được trở về với gia đình nữa.

Còn cái chết của ông Kình, có ai phải trả giá hay không hay chỉ là những tấm huân chương của người đã “tiêu diệt” được ông và một tấm bia miệng ngàn đời để lại cho ông và gia đình? Cái chết nào cũng phải có nguyên do và phải được giải quyết theo đúng trình tự quy định của pháp luật…”

Phạm Toàn