Đề xuất quy định “người dân mất bằng lái xe phải thi lại toàn bộ mới được cấp bằng” mà Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa đưa ra khiến người dân, dư luận có phản ứng gay gắt.

Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: mt.gov.vn)

Trước đó, sáng ngày 6/3, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay Bộ đang đề xuất quy định “người dân mất bằng lái xe phải thi lại toàn bộ mới được cấp bằng”.

Theo ông Thể, việc này nhằm tránh tình trạng “lách luật” có thêm bằng lái xe thứ 2, thứ 3 để tiếp tục lái xe.

Người dân, dư luận phản ứng là đúng

Ý kiến về đề xuất trên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đề xuất của Bộ trưởng GTVT có ý tốt và nhằm mục đích, mong muốn quản lý một cách chặt chẽ việc cấp bằng lái xe, nhưng khi phát biểu chưa hết ý tứ trong đó nên việc người dân, dư luận phản ứng là đúng.

Ông Nhưỡng cho rằng hiện nay cũng có nhiều người không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lái xe, gây ra các tai nạn thương tâm, dẫn đến thiệt hại tài sản, làm mất trật tự an toàn giao thông. Tình trạng cấp bằng cho những người chưa đủ tiêu chuẩn vẫn còn tồn tại như cấp bằng việc phải chi tiền, thi hộ,…

Do đó, bài toán đặt ra là cần quản lý chặt chẽ vấn đề này ở khía cạnh quản lý Nhà nước và người dân, xã hội, các cơ quan phải giám sát quá trình này.

Tuy nhiên, đề xuất cần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Nếu người dân có đầy đủ bằng chứng, thực hiện đúng các thủ tục thì phải cấp lại bằng lái xe theo quy định.

Nếu người ta đã có bằng lái xe nhưng do mất trộm, cháy nhà… mà bắt thi lại để cấp bằng mới là không đúng” – ông Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng cũng nói thêm cần phải có các quy định chặt chẽ, phù hợp với thực tế để những trường hợp nào không được cấp lại và trường hợp nào được cấp lại, để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi mất các giấy tờ.

Về việc để xảy ra các lỗ hổng dẫn đến tiêu cực để có bằng lái xe thứ 2, thứ 3 như Bộ trưởng GTVT đưa ra không phải trách nhiệm của người dân, mà thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đây không phải trách nhiệm của người dân nên không được đổ lên đầu người dân như vậy” – ông Nhưỡng nói.

Không thể đẩy phần khó về cho người dân

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng quy định mất bằng lái xe phải thi lại là không nên.

Theo ông Quyền, trước đây đã có quy định, khi mất giấy phép lái xe thì người mất phải chờ 1 tháng (kể từ ngày nộp đơn trình báo mất và xin cấp lại) để lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh mất thật hay do vi phạm bị lực lượng chức năng thu giữ bằng lái. Tuy nhiên, quy định này gây khó khăn cho người dân, nên đã bãi bỏ.

Giờ đây lại đưa ra đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại sẽ làm khó cho những người bị mất thực sự, trong khi vừa bị mất tài sản, giấy tờ lại phải học lại. Điều này làm mất thời gian và kinh phí” – ông Quyền nói.

Ông Quyền cho hay nếu vấn đề mấu chốt trong quản lý bằng lái xe hiện nay là bất cập phối hợp do CSGT không cập nhật đầy đủ và kịp thời về các trường hợp vi phạm, thì phải điều chỉnh lại khâu này. Không thể vì một sự phối hợp chưa chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước mà đẩy phần khó về cho người dân.

Dễ dẫn đến tiêu cực, tốn kém tiền bạc, phiền hà cho người dân và nhiều hệ lụy khác

Còn Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng ông cảm thấy “khá bất ngờ, phân vân và băn khoăn”.

Ông Hòa cho rằng quy định trên cần phải nói rõ, với các trường hợp gian dối, lách luật để có bằng lái xe thứ 2, thứ 3 nếu phát hiện được, ngoài tịch thu tất cả các bằng thì việc yêu cầu phải học lại, thi lại mới cho cấp bằng mới hoàn toàn phù hợp.

“Chứ chỉ lấy một số người vi phạm để đề xuất áp dụng chung cho tất cả mọi người sẽ không hợp lý chút nào” – ông Hòa nói.

Ông Hòa lấy dẫn chứng như với những người dân bị mất trộm bằng lái xe hoặc do nguyên nhân chính đáng nào đó và họ vẫn còn hồ sơ gốc nhưng lại bắt phải thi lại mới cấp cho bằng mới sẽ tạo ra thiệt thòi rất lớn. Ngoài ra, còn dễ dẫn đến tiêu cực, tốn kém tiền bạc, phiền hà cho người dân và nhiều hệ lụy khác.

Ông Hòa cũng khẳng định các cơ quan chức năng có đầy đủ năng lực, phương tiện, con người để có thể xác minh, làm rõ được người này mất bằng lái xe thực sự hay khai gian dối để được cấp bằng.

Trong quy định của việc cấp lại bằng lái cũng nêu rõ, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất cả nước, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được xét cấp lại giấy phép lái xe.

Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể rà soát được, còn lỗ hổng hay việc không rà soát kỹ là do cơ quan chức năng Nhà nước chưa làm hết trách nhiệm” – ông Hòa cho hay.

Kim Long

Xem thêm: