Thời gian qua, báo chí nhà nước liên tục phản ánh dinh thự của quan chức địa phương được xây hoành tráng bằng gỗ quý. Điều này khiến dư luận đặt nghi vấn liệu quan chức có góp phần khiến rừng bị tàn phá.

phá rừng, Tây Nguyên
Dinh thự gỗ xa hoa của ông Trần Ngọc Quang, cựu chủ tịch huyện nghèo Ea Súp, Đắk Lắk. (Ảnh: tienphong.vn)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà hôm 6/11 trả lời chất vấn từ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) đã khẳng định: “Mất rừng là do chúng ta tư duy sai trái, đó là trong nhà toàn dùng đồ gỗ…”.

Với phát ngôn của ông Hà, dư luận hoài nghi về việc liệu quan chức địa phương có “góp sức” làm mất rừng.

Tài khoản Hồng Lê nhận xét: “Mong Bộ trưởng hãy nói rõ “chúng ta” ở đây là ai, là quan chức hay là người dân”.

Tài khoản Minh khẳng định: “Chắc là quan thôi, chứ dân sao dám dùng gỗ xây nhà”.

Tài khoản Trần Bình hỏi: “Liệu quan chức có ‘đóng góp’ thêm cho việc mất rừng, vì thấy nhà quan xây lớn lắm?”…

Có lẽ, dư luận đặt nghi vấn không phải là không có căn cứ, khi thời gian qua, báo chí Việt Nam liên tục liệt kê hàng loạt những dinh thự gỗ xa hoa có “xuất xứ” từ các quan chức địa phương.

Báo Pháp luật TP.HCM trong bài viết “Gỗ rừng chảy về nhà quan” hồi năm 2017 cho hay: “Gỗ rừng, nhất là gỗ quý ngày càng hiếm hoi… Oái oăm thay, những gì quý nhất của rừng lại được phát hiện… ở nhà quan chức!”.

Tờ báo phản ánh ngôi nhà của ông Trần Ngọc Quang, cựu chủ tịch huyện nghèo Ea Súp, Đắk Lắk được người dân gọi là “phủ ông Quang”, bởi ngôi nhà xây toàn bằng gỗ quý, phải mất 3 năm mới xong, chỉ tính riêng bộ bàn ghế đã có giá tới 1 tỷ đồng…

Báo Tiền Phong dẫn kết luận từ UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định căn nhà của ông Quang “sử dụng đến gần 136 m3 gỗ quy tròn, nhưng đều là gỗ “bất hợp pháp”; “Ông Quang còn bị đánh giá thiếu ý thức về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng”; “Sai phạm của ông Quang thuộc hành vi cố ý, gây hậu quả rất nghiêm trọng”…

Tương tự, hai căn nhà gỗ của ông Nguyễn Văn Quyến, cựu phó giám đốc công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Cư M’lan, nay là phó tổng giám đốc công ty Chế Biến Thực Phẩm, Lâm Nghiệp Đắk Lắk ở thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) cũng rất nổi tiếng ở tỉnh Đắk Lắk.

Điều đáng nói, ông Quyến cũng từng bị kỷ luật “cảnh cáo” do những sai phạm liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, để mất hơn 10.500 ha rừng và đất rừng trong lâm phần được giao cho mình quản lý và bảo vệ.

Cũng theo báo Tiền Phong, tại Gia Lai, căn nhà 2 tầng của ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở KH-ĐT Gia Lai được thiết kế sang trọng, cổng chính sơn màu vàng, in hình trống đồng với nét chạm khắc tinh xảo. Nhưng, nổi bật nhất vẫn là căn nhà Rường làm bằng gỗ tự nhiên, bên trong bày loạt tượng gỗ.

Gia đình ông Thành còn mua miếng đất ở thành phố Pleiku rộng tới hàng nghìn m2 với điểm nhấn là hồ cá có dựng căn nhà gỗ tự nhiên giá khoảng 300 triệu đồng…

Hay căn biệt phủ rộng khoảng 1ha của vợ chồng bà Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Laiông Lê Xuân Hòa, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai cũng được tờ báo phản ánh xây hoành tráng, đẹp nhất là căn nhà bằng gỗ hai tầng, tiếp đến là nhà tiếp khách được dựng bằng các trụ gỗ với thiết kế thoáng mát lợp mái ngói đen. Nhà chòi trên ao cá rộng khoảng 1.000 mét được dựng bằng loạt trụ gỗ bào tròn, lợp mái ngói màu vàng.

Đáng chú ý, báo Tiền Phong cho biết đã liên hệ với bà Hà để xác minh thông tin nhưng bà này từ chối và yêu cầu không đưa nội dung cuộc nói chuyện qua điện thoại lên báo chí.

Hồi tháng 6/2020, báo chí dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp Việt Nam tại hội nghị “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên” cho thấy năm 2019, tổng diện tích rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2.559.956 ha, chiếm 17,5% diện tích rừng Việt Nam, với tỷ lệ che phủ là 45,92%.

Thế nhưng, riêng rừng tự nhiên vào năm 2019 đã giảm 15.753 ha, trong đó 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắk Lắk (11.419 ha), Đắk Nông (7.156 ha) và Gia Lai (494 ha).

Không chỉ giảm diện tích, chất lượng rừng (đặc biệt rừng tự nhiên) của toàn khu vực bị suy thoái nghiêm trọng. Tỷ lệ rừng trung bình, rừng giàu còn rất thấp chỉ chiếm khoảng 18,40%; còn lại rừng nghèo và rừng phục hồi.

Ngoài việc bị phá, bị lấn chiếm trái pháp luật, nguyên nhân mất rừng còn do sự yếu kém, buông lỏng quản lý của một số chủ rừng; sự thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn nạn phá rừng của chính quyền địa phương; sự thiếu chặt chẽ giữa các cấp ngành trong việc quản lý bảo vệ rừng…

Hoàng Minh