Theo báo cáo từ một số bệnh viện, khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, khoảng 22 tấn/ngày, trong đó nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần như bơm kim tiêm, găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm…

chất thải y tế, chất thải nhựa
Tổng lượng chất thải y tế nguy hại trung bình mỗi năm khoảng 21.300 tấn. (Ảnh: pixabay.com)

Ngày 16/8, Bộ Y tế và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế tại Hà Nội.

Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết hiện Cục chưa tiến hành điều tra, đánh giá tỷ lệ chất thải nhựa trong chất thải của ngành y tế cũng như chưa có số liệu thống kê cụ thể về lượng chất thải nhựa phát sinh của ngành hàng năm. Theo khảo sát tại Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, tỷ lệ nhựa trong chất thải y tế (không bao gồm chất thải sinh hoạt) tại các bệnh viện này trong khoảng 10-45%; tỷ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt tại cơ sở y tế trong khoảng 12-17%.

Cục Quản lý môi trường y tế cho biết do đặc thù của ngành nên chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế rất đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn. Rác thải nhựa không chỉ là các sản phẩm nhựa dùng một lần trong ngành y tế như bơm kim tiêm, dụng cụ thiết bị dùng trong phẫu thuật, xét nghiệm (găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm)… mà còn là túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần dùng trong ăn uống, sinh hoạt.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho hơn 150 triệu lượt người và khoảng hơn 300 triệu lượt khám ngoại trú. Khi vào bệnh viện, bệnh nhân thường đi kèm theo 1-2 người nhà, cho nên lượng rác thải từ bệnh nhân và người nhà cùng với rác thải liên quan đến y tế rất lớn. Theo báo cáo từ một số bệnh viện, khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, khoảng 22 tấn/ngày.

Trong khi đó, việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải nhựa là một quá trình và cũng mới chỉ bước đầu được thực hiện tại một số cơ sở y tế.

Báo cáo của các sở y tế và bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cho hay tổng lượng chất thải y tế nguy hại trung bình mỗi năm khoảng 21.300 tấn, trong đó lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý là trên 21.100 tấn (chiếm 99,1%).

Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay số lượng chất thải nhựa đang ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương theo sự gia tăng của các cơ sở y tế, giường bệnh, thói quen sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế. Chất thải nhựa này không được kiểm soát tốt sẽ đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật thủy sinh, động vật biển, làm ô nhiễm môi trường, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội.

Ước tính hơn 700 loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa. Theo thống kê của Ủy ban châu Âu (EC), khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018. Trong đó, khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Tổng cộng khoảng 4,8 – 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương mỗi năm.

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc năm 2018 cho biết trên toàn cầu, cứ mỗi năm có khoảng 5 nghìn tỷ túi ni-lon được sử dụng, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nước nhựa được mua và 90% chai nước có chứa các hạt nhựa.

Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho hay hiện có khoảng 150 triệu tấn rác nhựa đang trôi nổi trên biển.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc xếp Việt Nam ở vị trí thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới, khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Ở châu Á, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Trung Quốc, Indonensia, Philippines) phát sinh nhiều chất thải nhựa.

Theo Vụ Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường Bộ TN&MT, chỉ số nhựa tiêu thụ tính trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua, từ khoảng 3,8 kg/năm (năm 1990) tăng lên 49 kg/người/năm (năm 2015), gấp gần 13 lần.

Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập, chủ yếu xử lý bằng cách chôn lấp và đốt. Phương pháp chôn lấp gây tốn diện tích đất, chất thải không được xử lý triệt để gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Phương pháp đốt gây nhiều lo ngại về việc tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường.

Nguyễn Quân

Xem thêm: