Toàn bộ 1.500 tấn tro bay cùng 8.000 lít dầu chạy máy trên tàu bị chìm khi con tàu trọng tải 2.560 tấn bất ngờ lật ngang rồi úp sấp tại vùng biển ở tỉnh Bình Thuận. 

tau cho tro bi chim mui ne
Con tàu đang nằm úp, “phơi bụng” ở khu vực biển Bãi Sau (phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), sáng 15/3. (Ảnh: baobinhthuan.com.vn)

Ngày 14/3, theo tin báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, tàu gặp nạn là tàu vận tải Bạch Đằng quốc tịch: Việt Nam, trọng tải 2.560 tấn) chở 1.500 tấn tro bay của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đi từ Cảng quốc tế Vĩnh Tân (Bình Thuận) đến Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai) để trả hàng.

Xuất bến lúc 10h, khoảng 18h40 cùng ngày đến khu vực biển Bãi Sau, Mũi Né (TP Phan Thiết) cách bờ khoảng 0,5 hải lý, tàu bất ngờ bị lật ngang và chìm hoàn toàn. Lúc này, trong khu vực có gió cấp 4, cấp 5; sóng cao từ 1,5 – 1,7 m. Tàu chìm khiến 1.500 tấn tro bay và 8.000 lít dầu chạy máy bị chìm theo. 7 thủy thủ trên tàu, trong đó Nguyễn Đức Trung (SN1986, trú Thanh Hóa) là thuyền trưởng cùng bị rơi xuống biển.

Nhận được tín hiệu cứu nạn khẩn cấp, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo đồn biên phòng Mũi Né sử dụng ca nô và huy động tàu cá ngư dân, mô tô nước của các cơ sở du lịch tổ chức cứu nạn các thủy thủ.

Tới 20h cùng ngày, cả 7 thủy thủ được cứu vớt và đưa vào bờ an toàn, sau đó tiếp tục được chăm sóc y tế tại Đồn Biên phòng Mũi Né.

Báo Bình Thuận cho biết hiện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kiến nghị Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục theo dõi vụ việc, kiểm tra, và báo tin sự cố tràn dầu (nếu có) cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh để có phương án ứng phó, trong khi cũng kiến nghị chính quyền tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động kiểm tra hiện trường, rà soát phương án để xử lý sự cố tràn dầu (nếu có).

Đến trưa 15/3, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận – ông Đỗ Văn Thái cho biết chưa có hiện tượng tràn dầu và tro bay, Tuổi Trẻ dẫn tin. Ông Thái cho biết 1.500 tấn tro bay được để trong các két chuyên dụng, đóng kín nắp, số dầu trên tàu cũng được cất trữ tương tự nên chưa có hiện tượng rò rỉ ra ngoài biển.

Báo Xây dựng từng dẫn lời ông Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết khi đốt than trong nhà máy nhiệt điện, tro của than, phần nhẹ sẽ bay lên là tro bay (chiếm khoảng từ 80-85%), phần tro nặng hơn, không bay, sẽ rơi xuống là tro đáy (chiếm khoảng 15-20%).

Phần tro bay phát sinh với khối lượng hàng triệu tấn mỗi năm. Vào thời kỳ đầu của các nhà máy nhiệt điện, tro bay không được xử lý, để bay theo khói lò thoát ra môi trường, tạo thành bụi, gây ô nhiễm. Do đó, nồng độ bụi ở khu vực nhà máy nhiệt điện thường lên cao.

Tro bay xỉ than hiện được sử dụng làm nguyên liệu xây dựng (trộn vào bê tông, vữa xây dựng hoặc thay thế đất sét làm nguyên liệu để sản xuất xi măng)…, mặc dù còn nhiều ý kiến tranh cãi rằng tro, xỉ nhiệt điện than có phải là chất nguy hại hay không.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Hút dầu các tàu hàng bị chìm trên biển Quy Nhơn