Một video ghi lại cảnh dòng nước đen đặc từ cống thải đổ thẳng ra biển Phú Quốc khiến nhiều du khách thất vọng về tình trạng phá hủy thiên nhiên tại đây.

phu quoc xa thai
Dòng nước đen đặc đổ thẳng ra biển tại Bãi Trường, Phú Quốc, nhuộm đen cả một vùng biển. (Ảnh cắt từ video/FB Yeji Lee)

Đoạn video dài 12 giây do cô Yeji Lee (Seoul, Hàn Quốc) đăng vào chiều ngày 4/5 trên Fanpage Phu Quoc expats & locals @ Social society. Kèm clip là dòng trạng thái (tạm dịch): “Ngay lúc này tại Bãi Trường. Tôi đến đây vì một bờ biển sạch sẽ nhưng bây giờ đành kết thúc kỳ nghỉ vì dòng nước thải công nghiệp thế này”.

Sau khi đăng tải, đến chiều ngày 6/5, đoạn video đã có gần 700 lượt chia sẻ. Các bình luận bày tỏ sự hoảng hốt, thất vọng, tức giận, thậm chí không ngạc nhiên trước tình trạng trên.

“Đây là nơi chúng ta từng lưu trú 4 ngày. Sao họ lại cho các công ty phá hủy một nơi đẹp đẽ như vậy?” – bạn của Yeji Lee đặt câu hỏi.

 

Video ghi lại hình ảnh dòng nước đen đổ ra biển Phú Quốc, ngày 4/5. (Nguồn: FB Yeji Lee)

Người dùng Facebook tên Joseph Benjamin Yeager cho hay: “Đây có thể là lý do khiến mũi tôi bị tắc khi bơi ở hòn đảo này”.

Valentine Zubkov – một du khách đang lưu trú tại Phú Quốc cho biết điểm xả thải rẽ sau siêu thị K-mark và nhà hàng của Việt Nam. Anh viết: “Đây là một cái ống khổng lồ… Thật là điều điên rồ khi chủ sở hữu thứ rác rưởi này làm với môi trường, cũng không có bất kỳ kiểm soát nào của chính quyền. Phá hủy thiên đường rất đơn giản, chúng ta chỉ cần vài người ngu ngốc…”. Trong bức hình chụp vào ngày 5/5, Valentine Zubkov cho hay qua một ngày, khi cơn mưa qua đi, tình trạng màu nước từ cống đổ ra vẫn còn rất tệ.

phu quoc xa thai
Hình ảnh miệng cống xả và nước đọng ngoài miệng cống do du khách chụp lại vào ngày 5/5. “Tình trạng trông vẫn rất tệ” – Valentine Zubkov. (Ảnh: FB Valentine Zubkov)

Rất nhiều du khách nước ngoài hỏi vị trí của cống xả. Người dùng Facebook tên Mark Denzler cho biết tình trạng xả thải này cũng tương tự như xảy ra tại Đà Nẵng và Nha Trang.

Người dùng Facebook tên Zhe Chekalina cho biết đã tìm ra cách để liên lạc với chính quyền địa phương nhưng cô không biết tiếng Việt.

Zhe Chekalina đưa ra ý kiến: “Thay vì để cuốn theo dòng cảm xúc và không làm gì, có 2 việc có thể làm. Để đoạn video lan truyền trên Internet với hashtags #phuquoc #longbeach #sewage… Và gửi đoạn video đến chính quyền địa phương qua email [email protected]. Các nhà chức trách nhiều khả năng sẽ phản ứng khi có nhiều người nước ngoài quan tâm đến sự việc, họ phải hiểu rằng du lịch là nguồn lợi chính của hòn đảo này. Nếu mọi người ở đây gửi email, điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt.”

Zhe Chekalina cũng tải lên đoạn video đầy đủ của Yeji Lee, dài tới 55 giây với hình ảnh luồng nước đen chảy ào ạt từ cống ra biển, nhuộm đen một vùng biển dài khoảng 30 m; miệng cống cách bờ biển chưa đầy 10 m.

phu quoc xa thai
Luồng nước đen chảy ào ạt từ cống ra biển. (Ảnh cắt từ video/FB Yeji Lee)

Theo thông tin công bố trên trang web của UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tổng lưu lượng nước thải trên đảo là 25.000-26.000 m3/ngày (khu dân cư) và 6.000-8.000 m3/ngày (khu du lịch).

Về giải pháp thoát nước thải, chính quyền cho biết tại các đô thị phía Nam, từ Dương Đông trở xuống, nước thải được gom theo cống thu gom nước thải riêng, đưa toàn bộ về khu xử lý tập trung đặt tại Vịnh Đầm; nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN 6984-2001, xả ra Vịnh. Tại các khu dân cư và khu du lịch khác phía Bắc, nước thải được gom theo tuyến cống nước thải riêng, xử lý ngay tại mỗi dự án; nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN 6984-2001, xả ra biển hoặc giữ lại tưới cây.

Với quy hoạch thoát nước thải như công bố, việc xác định cống nước thải đổ ra biển nêu trên do đơn vị nào quản lý cũng như giám định chất lượng nước đã đạt tiêu chuẩn TCVN 6984-2001 hay chưa trong tình trạng xả thẳng ra biển là nằm trong khả năng của chính quyền địa phương, bao gồm UBND huyện, Phòng TN&MT, Cảnh sát môi trường.

Nguyễn Quân

Xem thêm: