Theo báo cáo của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), đàn voi của Việt Nam vào những năm 1990 có khoảng 2.000 cá thể, đến năm 2013, con số này chỉ còn khoảng 130 cá thể. 

dan voi viet nam
Một số cá thể voi được chụp tại Vườn quốc gia Pù Mát (Ảnh tư liệu/truyenhinhnghean.vn)

Ngày 26/4, tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) phối hợp với Vườn quốc gia Pù Mát tổ chức hội thảo đánh giá công tác bảo tồn voi và giải pháp giảm thiểu xung đột của voi tại tỉnh Nghệ An.

Theo FFI, những năm 1990, Việt Nam ước tính có 2.000 cá thể voi nhưng đến năm 2013, con số này chỉ còn khoảng 130 cá thể, phân bố ở 8 tỉnh gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước.

Nếu lấy mốc từ năm 1990 đến năm 2013, trung bình mỗi năm đàn voi của Việt Nam mất tới 81 con.

Theo thông tin từ hội thảo, với việc Chính phủ năm 2013 phê duyệt cho thực hiện “Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020”, Nghệ An là một trong 3 tỉnh được chọn để bảo tồn và phát triển quần thể voi hoang dã của Việt Nam (gồm Nghệ An (VQG Pù Mát), Đăk Lăk và Đồng Nai).

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát cho biết hiện đàn voi ở Nghệ An có từ 15-16 cá thể, trong đó VQG Pù Mát có 12-13 cá thể, Rừng Quốc gia Pù Huống có 3 cá thể (Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp: 1 cá thể; Quỳ Châu: 2 cá thể). Từ năm 2013-2016, quần thể voi hoang dã ở Nghệ An đã phát triển thêm 2 cá thể tại đàn voi Cao Vều.

Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt và triển khai thực hiện “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An đến năm 2020” đồng thời giao VQG Pù Mát làm chủ đầu tư.

Dự án được triển khai từ năm 2014, với các hoạt động như tuyên truyền bảo vệ các đàn voi; tập huấn cách phòng tránh xung đột voi và người; thành lập 4 tổ phản ứng nhanh để bảo vệ voi và hỗ trợ người dân xua đuổi voi khi xảy ra xung đột giữa voi và người; xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng hỗ trợ bảo tồn voi như trạm dừng chân tại Cao Vều, Khe Bống và Khe Thơi để phục vụ việc tuần tra bảo vệ rừng và các đàn voi; xây dựng 28,914 km đường tuần tra tại các vùng sinh cảnh của voi thuộc VQG Pù Mát; xây dựng 2 chòi canh lửa rừng kết hợp giám sát hoạt động của voi và xây dựng hào ngăn voi.

Tại hội thảo, tình trạng xung đột của voi đối với người được nêu ra. Một số ý kiến cho rằng xung đột của voi gây thiệt hại về kinh tế, tạo tâm lý lo sợ, hoang mang cho người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do vùng sinh cảnh sống của voi bị tác động mạnh, diện tích rừng bị thu hẹp, thiếu nguồn thức ăn; cơ cấu cây trồng tại những vùng rừng voi thường xuyên đi qua là thức ăn ưa thích của voi như ngô, sắn, mía, mét nên voi thường hay ra tìm thức ăn và gây ra xung đột. Ngoài ra, vào mùa động đực, voi cái thiếu voi đực nên hung dữ phá phách nhiều hơn.

Du khách cảm thấy tệ khi voi ở KDL Đắk Lắk ‘bị cưỡi, bị đánh chảy máu’

Ông Hoàng Văn Lâm – Quản lý các chương trình dự án FFI tại Việt Nam cho hay việc bảo tồn đàn voi chỉ có khả năng tại các nơi có tổng đàn từ 3-6 cá thể và có đủ cá thể đục và cái; các vùng rừng chỉ có cá thể đơn lẻ hoặc chỉ có cá thể cái thì không có khả năng phát triển thêm tổng đàn. Theo ông Lâm, cần duy trì các tổ phản ứng nhanh hỗ trợ xung đột giữa voi và người; trang thị thêm trang thiết bị hỗ trợ nghiệp vụ; cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ voi và các vùng sinh cảnh sống của voi

Hồi ngày 3/11/2018, một đàn voi rừng 5 con đã vào dẫm gãy khoảng 600 cây tràm và bồ đề và một số khu vực trồng ngô ở thôn Bãi Đá, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Tại thời điểm này, một hào ngăn voi được xây dựng ở xã Phúc Sơn đã được làm từ 2 năm trước, song hào ngăn voi đó mới có một đoạn, không thể bao quát toàn bộ thôn này.

Đàn voi này được xác định sinh sống ở phía đông nam VQG Pù Mát, thường đi từ xã Môn Sơn (Con Cuông) về các bản vùng sâu của xã Phúc Sơn (Anh Sơn), rồi xuống tận xã Thanh Đức (Thanh Chương) để tìm kiếm thức ăn. Trước kia, những cánh rừng xã Phúc Sơn bạt ngàn nứa và chuối, loại thức ăn ưa thích của voi. Đến năm 2009, hàng nghìn hecta rừng ở vùng ven VQG bị đốn hạ để công ty lâm nghiệp trồng cao su khiến môi trường sống của voi bị xâm hại, voi phải lui vào rừng sâu, thiếu thốn nguồn thức ăn.

Minh Sơn