Sáng 2/11, Chính phủ sẽ báo cáo trình Quốc hội xin chuyển mục đích sử dụng rừng cho hai Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An. Tổng diện tích rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng là 1.562 ha bao gồm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng sản xuất.

du an ho chua nuoc song than
Dự án xây dựng Hồ chứa nước Sông Than (Ninh Thuận), tháng 2/2020. (Ảnh: Công Phong/ninhthuantv.vn)

Dự án sử dụng nhiều đất rừng nhưng không kê khai

Theo Điều 7 Luật đầu tư công 2014, các dự án sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên phải được xếp vào nhóm dự án quan trọng quốc gia. Theo đó, các dự án này sẽ do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, hai dự án thuỷ điện, thuỷ lợi Bản Mồng (Nghệ An) và Sông Than (Ninh Thuận) lại bị đánh hạ nhóm và do Chính quyền địa phương, cơ quan cấp Bộ cấp phép, triển khai thực hiện.

Cụ thể, dự án Hồ chứa nước Bản Mồng sử dụng 1.131 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm 662 ha (Nghệ An 130ha, Thanh Hoà 532ha), rừng trồng 469 ha (Nghệ An 414 ha, Thanh Hoá 54 ha). Diện tích rừng của Dự án Hồ chứa nước Sông Than (Ninh Thuận) lên tới 432 ha trong đó có 101 ha rừng phòng hộ, cao hơn nhiều mức tối thiểu quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công.

Với diện tích rừng chiếm dụng như trên, hai dự án hồ chứa nước Bản Mồng và Sông Than cần phải xếp vào nhóm dự án quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Gần hoàn thành dự án mới báo cáo Quốc hội

Do xác định là dự án đầu tư nhóm A nên Dự án thuỷ lợi, thuỷ điện Bản Mồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cấp phép đầu tư và đồng thời bố trí vốn triển khai theo nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Khởi động từ năm 2017, tính đến thời điểm này, Dự án Hồ chứa nước Thuỷ lợi Bản Mồng đã cơ bản hoàn thành phần đầu tư xây dựng với số tiền giải ngân lên tới 1492/1915 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục hồ chứa nước dung tích 225 triệu m3, đập bê tông chính dài 383m, cao 45,4 m, đập đất phụ dài 162m, cao 34,7m, 5 cửa xả lũ công suất thiết kế 6180m3/s… Hợp phần xây dựng Dự án Hồ chứa Bản Mồng dự kiến hoàn tất trong năm 2020.

Tuy nhiên, phần diện tích lòng hồ gần như chưa giải phóng mặt bằng. Đây là diện tích rừng nằm trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá. Chính vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng đã lộ ra dự án chiếm dụng ngàn ha rừng, yêu cầu dự án cần xếp lại nhóm cũng như phải báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư.

Địa phương khẳng định Dự án thuỷ điện, thuỷ lợi không ảnh hưởng tới độ che phủ rừng

Cho ý kiến về đề nghị chuyển đổi mục đích rừng của dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An đều đồng quan điểm diện tích rừng của dự án vẫn nằm trong khuôn khổ quỹ đất lâm nghiệp của địa phương dành cho mục đích phát triển kinh tế xã hội.

du an ho chua nuoc ban mong
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) đã được thi công từ năm 2017. (Ảnh: nghean.gov.vn)

Cụ thể, tại Báo cáo số 364/BC-UBND ngày 20/6/2019, UBND tỉnh Nghệ An cho biết tỉnh này hiện có 10.491 ha rừng quy hoạch để chuyển đổi mục đích khác. Hơn nữa, hàng năm tổng diện tích rừng của tỉnh Nghệ An đang không ngừng tăng lên. Tính đến năm 2019, độ che phủ rừng toàn tỉnh là 58,5%, đã vượt 1,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Do vậy, chuyển đổi 544 ha rừng để làm Thuỷ điện, Thuỷ lợi Bản Mồng không ảnh hưởng tới môi trường trên tỉnh Nghệ An.

Tương tự, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng khẳng định diện tích rừng trên địa bàn Thanh Hóa đã đạt 641.893,66 ha, vượt 56.270,66 ha so với chỉ tiêu giao được giao. Do vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa ủng hộ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng Thuỷ điện Bản Mồng.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của hai dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An), Sông Than (Ninh Thuận) sẽ được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo xin ý kiến Quốc hội vào sáng 2/11/2020 tại Kỳ họp 10.

Dự án Hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện Bản Mồng

Cơ quan cấp phép đầu tư: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổng mức đầu tư: 4.455 tỷ đồng

Hạng mục xây dựng: Xây dựng Hồ Chứa nước Bản Mồng dung tích 225 triệu m3, mực nước dâng bình thường: +76,40 m; đập chính bằng bê tông trọng lực dài 383 m, cao 45,40 m, đập phụ bằng đất đắp, dài 162 m, cao 34,70 m; tràn xả lũ 5 cửa BxH=15×12,8 m, lưu lượng xả thiết kế 6.180 m3/s…); hệ thống kênh lấy nước trực tiếp từ hồ, tưới 7.871 ha; 26 trạm bơm hạ du sông Hiếu và hệ thống kênh, tưới 11.000 ha.
Diện tích rừng sử dụng: 1.131,22 ha

Tiến độ: Giai đoạn 1 (2017-2020), đã hoàn thành cơ bản phần xây lắp; Giai đoạn 2 (sau năm 2020)

Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận

Cơ quan cấp phép đầu tư: UBND tỉnh Ninh Thuận

Tổng mức đầu tư: 855 tỷ đồng.

Hạng mục xây dựng: – Đập bê tông nhánh trái (sông Than) dài 304m, cao 141m; Đập đất nhánh phải, dài 1.029m, cao 141m; Kênh thông hồ dài 758m; Đường tránh lòng hồ: Tổng chiều dài khoảng 2,4km.

Diện tích rừng sử dụng: 431,76 ha

Tiến độ: 2017-2020, đã hoàn thành 35% hạng mục xây dựng.

Nguyên Hương