4.700 ha rừng nghèo tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đang được chính quyền tỉnh này xin chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất nông nghiệp. Lý do vì dự án thủy lợi trị giá 3.000 tỷ đồng đã làm xong từ năm 2017 tới nay mà không có nơi để tưới. Lần theo các sự kiện, câu chuyện này còn mở ra những điều đáng buồn hơn cho vùng Tây Nguyên nói chung và cho tỉnh Gia Lai nói riêng…

rung gia lai
Diện tích cao su ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) phát triển không tốt, Công ty cổ phần Hoàng Anh xin chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò, năm 2016. (Ảnh: L.N/baogialai.vn)

Xin bỏ rừng để có vùng tưới

Ngày 15/12, Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết đang có kế hoạch trình Bộ NN-PTNT thẩm định để trình Thủ tướng báo cáo Quốc hội xin chuyển mục đích sử dụng 4.700 ha rừng nghèo thuộc địa bàn xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai.

Đây được xem như là giải pháp cho giai đoạn 3 của dự án công trình thủy lợi Ia Mơr vốn bị tắc nhiều năm do hồ, kênh đã xong nhưng chưa có vùng tưới.

Dự án thuỷ lợi Ia Mơr có vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ NN&PTNT phê duyệt tại quyết định số 2954 ngày 27/10/2005.

Hồ chứa rộng khoảng 2.800 ha mặt nước, dung tích khoảng 180 triệu m3, dự tính sẽ cung cấp nước tưới cho hơn 12.500 ha đất trồng cây và nước sinh hoạt cho 50.000 nhân khẩu của huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và một số xã thuộc huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Sau 12 năm xây dựng, khi chặn dòng tích nước vào năm 2017, đến nay công trình thủy lợi này vẫn chưa có vùng tưới do phần lớn đất được quy hoạch thành vùng tưới lại là đất lâm nghiệp.

Tại chuyến công tác ngày 16/9/2019, ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng cảm thán: “Tôi cũng không hiểu ngày xưa các đồng chí làm, đánh giá tác động thế nào mà làm xong công trình rồi mà không có gì để tưới thì không biết làm thủy lợi kiểu gì. Làm thủy lợi để tưới mà không biết tưới cái gì thì kỳ lạ thật…”.

thuy dien la mo
Hồ chứa công trình thủy lợi Ia Mơr đã hoàn thành. (Ảnh: L.N/baogiaolai.vn)

Rừng tự nhiên thành “rừng” cao su rồi chờ thành đất nông nghiệp: Chỉ có rừng là mất

Năm 2019, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết khu tưới của Ia Mơr là 12.500ha, thì 4.000ha tại huyện Ea Súp (Đăk Lăk) đã được chuyển mục đích sử dụng sang đất nông nghiệp. Còn trong tổng khoảng 8.500ha tại huyện Chư Prông (Gia Lai) thì gần 8.000ha là rừng tự nhiên chưa chuyển đổi.

Đại diện Bộ NN-PTNT – cơ quan phê duyệt dự án cho biết tại thời điểm ban hành quyết định phê duyệt, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng nghèo kiệt sang các mục đích khác không mấy khó khăn.

Tới năm 2013, Luật Lâm Nghiệp được Quốc hội ban hành và có hiệu lực, trong đó có nội dung bắt buộc trồng rừng thay thế khi chuyển đổi đất lâm nghiệp qua mục đích phi lâm nghiệp.

Cùng thời gian này, Chính phủ “bật đèn xanh” cho 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) từ năm 2009 đến năm 2020 trồng mới 100.000 ha cao su. Diện tích trồng cao su tăng ồ ạt, đến cuối năm 2015, diện tích cao su toàn vùng đã lên tới 164.000 ha. Nhiều diện tích rừng xanh tốt bị xếp vào diện “rừng nghèo” để chuyển sang trồng cao su.

Tại văn bản 191 thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững ở Tây Nguyên, xác nhận năm 2016 diện tích rừng đã giảm 180.000 ha so với năm 2010, độ che phủ của rừng giảm từ 51,9% xuống 45,8%; trữ lượng rừng giảm hơn 57 triệu m3.

Các giải pháp vẫn trên giấy. Năm 2017, tổng diện tích cao su tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng lên trên 251.348 ha (tăng thêm 53% so với diện tích năm 2015), trong đó có 139.115 ha cao su đã đưa vào kinh doanh khai thác; đồng thời có 220 dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt và đất lâm nghiệp sang trồng 73.131 ha cao su.

Một câu hỏi được đặt ra là 8.000 ha rừng tự nhiên thuộc huyện Chư Prông đang được xin chuyển đổi sang đất sản xuất nông nghiệp có từng được chuyển đổi thành “rừng” cao su không?

Theo phỏng vấn của Tiền Phong hôm 15/12/2020, một lãnh đạo tỉnh Gia Lai (đã nghỉ hưu) cho hay: “Thời tôi đương chức đã đi khảo sát vùng tưới của thuỷ lợi Ia Mơ, nói là đất lâm nghiệp nhưng thực tế rừng đã bị quét sạch bởi việc chuyển đổi 50.000 ha đất rừng nghèo sang trồng cao su. Rừng chỉ còn trên giấy tờ thôi.”

Điều này có nghĩa vùng được quy hoạch thành vùng tưới của thuỷ lợi Ia Mơ từng là rừng tự nhiên, sau đó được chuyển sang trồng cao su rồi biến thành rừng nghèo. Việc tỉnh Gia Lai xin chuyển mục đích sử dụng 4.700 ha rừng nghèo thành vùng tưới (đất phi lâm nghiệp) phải chăng là việc hoàn tất quá trình làm tiêu biến rừng khi việc trở thành sự đã rồi?

Nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng ai là người phải chịu trách nhiệm khi xây dựng báo cáo tiền khả thi dự án thuỷ lợi Ia Mơ? Dự án thủy lợi 3.000 tỷ đồng từ ngân sách bị treo từ năm 2017 tới nay, ai chịu trách nhiệm? Hơn thế nữa, việc trở đi mắc núi, trở lại mắc sông, khi hàng ngàn ha rừng tự nhiên bị biến thành rừng khộp, rừng nghèo kiệt, nay bị đặt trong tình thế hoặc tiếp tục bị bỏ mặc, hoặc buộc phải chuyển thành đất nông nghiệp? Ai ra quyết định khiến việc trồng cây cao su có được tính là trồng rừng để hàng trăm ngàn ha rừng bị đốn hạ, biến thành đất trồng cao su?

Do đó, việc tỉnh Gia Lai dự kiến xin chuyển mục đích sử dụng 4.700 ha rừng nghèo để thành đất tưới cho dự án thủy lợi không chỉ là vấn đề của một dự án, của một tỉnh, nó trở thành dẫn chứng sinh động cho con số 89% rừng bị mất do dự án được duyệt, chỉ 11% do lâm tặc, diễn ra trên toàn quốc, theo một thống kê do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đưa ra trong giai đoạn 2012 -2017.

“Rừng ở Gia Lai rất phong phú về các loài, kiểu, dạng khác nhau về tính chất, hình thái và ý nghĩa kinh tế. Gia Lai có gần 1 triệu ha đất lâm nghiệp, diện tích có rừng là 749.769 ha, trữ lượng gỗ 75,6 triệu m3. So với cả vùng Tây Nguyên, Gia Lai chiếm 28% diện tích lâm nghiệp, 30% diện tích có rừng và 38% trữ lượng gỗ.

Ngoài ra, rừng Gia Lai còn có khoảng gần 100 triệu cây tre nứa và các loại lâm sản có giá trị khác như song mây, bời lời, sa nhân…và các loại chim thú quý hiếm. Sản lượng gỗ khai thác hàng năm từ 65.000 – 85.000 m3 sẽ đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến gỗ, bột giấy với quy mô lớn và chất lượng cao…”

Trích giới thiệu về tỉnh Gia Lai trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Năm 2006, trên toàn tỉnh Gia Lai, tổng diện tích đất lâm nghiệp là 795.668 ha, trong đó đất rừng đặc dụng 55.388 ha, đất rừng phòng hộ 208.682 ha, đất rừng sản xuất 531.598 ha (theo thống kê công bố tại Nghị quyết 01/2008/NQ-CP ngày 8/1/2008 của Chính phủ).

Năm 2017, tổng diện đất quy hoạch cho lâm nghiệp tăng lên 844.422,23 ha, tuy nhiên, đất có rừng chỉ 576.925,4 ha, đất chưa có rừng 267.496,83 ha. Trong đó,

  • Rừng đặc dụng là 57.451,73 ha (đất có rừng 54.511,82 ha, đất chưa có rừng 2.939,91 ha);
  • Rừng phòng hộ 151.343,25 ha (đất có rừng 117.504,61 ha, đất chưa có rừng 33.838,64 ha);
  • Rừng sản xuất 635.627,25 ha (đất có rừng 404.908,97 ha, đất chưa có rừng 230.718,28 ha) (theo thống kê công bố tại Nghị quyết 100/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh Gia Lai)