An ninh nguồn nước và thu phí rác thải trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường là những nội dung có nhiều điểm đáng chú ý trong phần giải trình của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà tại phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 15/6. 

hong ha
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà. (Ảnh: quochoi.vn)

Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước ngoài biên giới

Ông Hà cho hay nếu nói về lượng mưa và lượng nước mặt chảy (bao gồm nước nội địa và nước quốc tế) thì Việt Nam có lượng nước khá phong phú. Tuy nhiên, tổng lượng nước các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào Việt Nam khoảng 520 tỷ m3, chiếm hơn 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm.

Lượng nước các quốc gia thượng nguồn chiếm đến 20% trữ lượng thông qua các hồ thủy điện và hồ chứa. Vào mùa đông, mùa khô hạn, 70 – 80% lượng nước bị mất do biến đổi khí hậu. “Do vậy, nếu họ giữ lại 20% thì chúng ta hoàn toàn bất ổn và mất an ninh liên quan nguồn nước”, theo ông Hà.

Ông Hà cũng cho biết theo các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thể chế về quản lý và sử dụng nước của Việt Nam còn nhiều bất cập, như chưa phối hợp chặt chẽ, chưa đầu tư để đảm bảo được hạ tầng về nước, chưa có chính sách kinh tế tài chính về nước. Hiệu quả sử dụng nước của Việt Nam ở mức rất thấp, với mỗi đơn vị (m3) nước, chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, bằng khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD.

Chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này, ông Hà cho rằng cần xem xét rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước, làm rõ nguồn lực đầu tư cho hạ tầng (quan trắc, dữ liệu…); vấn đề quy hoạch; cơ chế phối hợp với các nước có liên quan, hợp tác song phương, đa phương để chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác Mekong, Mekong – Lan Thương.

Người gây ô nhiễm phải trả tiền

Ông Hà cho hay Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này đặt ra nhiều vấn đề thiết thực và cụ thể, như vấn đề về nước thải và xử lý chất thải gắn với sinh hoạt. Quan điểm ra quy định là “người gây ô nhiễm thì phải trả tiền”, “người được sử dụng dịch vụ về môi trường thì phải chi trả”.

Nhà nước sẽ đầu tư xử lý những vấn đề môi trường do lịch sử để lại từ trước, còn người dân và doanh nghiệp là trung tâm trong tổ chức, thực hiện. “Như vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì người nào sản sinh ra nhiều, người đó phải chi trả nhiều hơn, phải trên cơ sở số lượng, định lượng”, ông Hà dẫn ví dụ.

Theo ông Hà, chất thải không phải hoàn toàn là chất thải mà còn là tài nguyên, 40% chất thải là tài nguyên sẽ được thu gom, tái chế, tái sử dụng. Chính phủ sẽ thực hiện theo lộ trình và có nhiều phương thức để định lượng và hỗ trợ cho những người dân yếu thế và khó khăn.