Trong số các dự án luật đã quá hạn phải ban hành có Luật Chủ tịch nước, Luật Biểu tình, Luật về hội, Luật Tiền lương tối thiểu…

luat bieu tinh
Tòa nhà Quốc hội, nằm trên Quảng trường Ba Đình, năm 2017. (Ảnh: Shutterstock.com)l

Chính phủ vừa gửi báo cáo đến Quốc hội về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

Chính phủ xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 là đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật; tập trung xây dựng, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực, khắc phục tình trạng nợ động văn bản quy phạm pháp luật. Chuẩn bị tốt các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại các Kỳ họp năm 2018.

Tính từ kỳ hợp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đến nay (23/10-24/11/2017), Quốc hội đã thông qua 13 văn bản luật do Chính phủ trình và không có trong danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 718 về triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Hiện còn 23 dự án luật nằm trong danh mục chưa được ban hành.

Trong 23 dự án luật nêu trên, 21 dự án luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ. 17 dự án luật, pháp lệnh trong số 21 dự án luật này chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, 2019.

Trong số các dự án luật đã quá hạn phải ban hành có Luật Chủ tịch nước, Luật Biểu tình, Luật về hội, Luật Tiền lương tối thiểu…  Theo Nghị quyết 718, tiến độ của cả Luật Về hội và Luật Biểu tình (do Chính phủ chủ trì) đều quá hạn 2 năm (tiến độ là 2015 – 2016); Luật Chủ tịch nước (do Chủ tịch nước chủ trì) quá hạn 3 năm (tiến độ tháng 5/2015) …

Lý giải về việc chậm tiến độ ban hành các luật, Chính phủ nêu nguyên nhân khách quan là có một số dự án luật, pháp lệnh qua đánh giá thấy chưa đủ căn cứ để ban hành luật riêng điều chỉnh, hoặc quan hệ xã hội được điều chỉnh chưa thực sự cấp thiết, hoặc điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước chưa đáp ứng được yêu cầu của việc tổ chức thực thi luật. Do đó, Chính phủ, các cơ quan khác chưa đề xuất hoặc xin lùi thời hạn ban hành luật.

Một số luật về quyền con người, quyền công dân là những vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ, bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Còn nhiều ý kiến khác nhau giữa đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của những dự án luật này, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để bảo đảm phù hợp với nội dung, tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính khả thi, phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Vì thế, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội lùi để có thời gian chuẩn bị kỹ hơn.

Ngoài ra, một số dự án luật không rõ phạm vi điều chỉnh hoặc đã được quy định trong các luật liên quan, như Luật đảm đảm trật tự, an toàn xã hội không xác định được phạm vi điều chỉnh; trong Luật Chủ tịch nước, nội dung liên quan đến thẩm quyền, nhiệm vụ của Chủ tịch nước đã được quy định trong dự án Luật Quốc phòng…

Một số luật theo giải thích của Chính phủ thì vẫn còn trong thời hạn đến năm 2020: Luật Truy nã tội phạm, Luật Thanh niên, Luật Bình đẳng giới, Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Về hàm, cấp ngoại giao, Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức…

Về nguyên nhân chủ quan, báo cáo của Chính phủ cho biết một số dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo chưa dự tính được hết các tác động nếu được thông qua, chưa thống nhất được các quy định và trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan, phạm vi điều chỉnh chưa được xác định rõ. Vì thế khi Quốc hội thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên phải lùi thời hạn thông qua dự án.

Ngoài ra là các hạn chế về thời gian và nguồn lực, kinh phí cho việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật. 

Thời gian tới, môt số dự án luật được Chính phủ xác định ưu tiên gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; các dự án luật hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Các luật quy định về quyền con người, quyền công dân đã được Quốc hội ban hành sẽ được tổ chức thi hành, như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tố cáo….

Về văn bản hướng dẫn chi tiết, báo cáo của Chính phủ cho thấy vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản. Cụ thể, từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2018, có tổng 204 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có nhiệm vụ xây dựng, ban hành (gồm 94 nghị định, 7 quyết định, 97 thông tư và 6 thông tư liên tịch).

Đã ban hành được 140/152 văn bản hướng dẫn chi tiết, còn 12 văn bản nợ chưa ban hành. Theo Chính phủ, đây hầu hết là các văn bản có nội dung phức tạp, phải xin ý kiến nhiều cấp.

Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật cho hay theo Nghị quyết 718, Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị 75 dự án luật, pháp lệnh dự kiến phải được ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Hiến pháp. Sau gần 5 năm thực hiện, Chính phủ đã trình ban hành được 54 luật, pháp lệnh (đạt 72%), đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019 4 dự án (chiếm 5,3%).

Theo thống kê của Thường trực Ủy ban Pháp luật, còn lại 17 dự án (chiếm 22,6%) chưa đưa vào chương trình, trong đó, 2 dự án quá hạn 4 năm (chiếm 2,7 %), 2 dự án quá hạn 3 năm (chiếm 2,7%), 9 dự án quá hạn 2 năm (chiếm 12%).

Qua kiểm tra 6.732 văn bản quy định chi tiết đã được triển khai (1.086 văn bản cấpBộ; 5.646 văn bản của địa phương), Bộ Tư pháp phát hiện 3/74 thông tư có sai sót về hiệu lực và nội dung, tuy nhiên báo cáo của Chính phủ đã không thể hiện điều này.

Ngoài ra, qua kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật, gồm: 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu nhất được nhận định là do thiếu sự ràng buộc về trách nhiệm của cán bộ, công chức tham gia tham mưu, soạn thảo, thẩm định.

Nguyễn Quân

Xem thêm: