Sau ổ bệnh bạch hầu đầu tiên, tại ổ bệnh thứ 2, một cháu bé 9 tuổi đã tử vong sau một ngày được đưa đi cấp cứu. Bệnh nhi thứ hai đang chuyển biến nặng. Diễn biến mới khiến ngành y tế tỉnh Đắk Nông tăng thêm một mức khống chế, từ uống thuốc phòng lên cách ly, để ngăn ngừa bệnh lan rộng.

benh bach hau
Nhân viên y tế phun hóa chất khử trùng toàn bộ nhà dân tại cụm dân cư số 2. (Ảnh: baodaknong.org.vn)

Báo Đắk Nông điện tử chiều 21/6 cho hay ca tử vong là cháu Sùng Thị H. (SN 2011, trú tại cụm dân cư số 2, thôn 6, xã Quảng Hòa). Ngày 19/6, cháu H. được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở.

Do tình trạng chuyển biến nặng, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, đến sáng 20/6, tử vong do bệnh bạch hầu ác tính biến chứng tim. Bệnh nhân tử vong được chôn cất trong vòng 3 giờ sau khi đưa về nhà. Các nhân viên y tế khuyến cáo người dân hạn chế tối đa tiếp xúc với thi thể, những người đến thăm viếng được cho uống thuốc kháng sinh dự phòng.

Ca bệnh thứ 2 là cháu Ma Văn T. (SN 2011, gần nhà cháu H.) hiện đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) để chữa trị.

Ông Hà Văn Hùng, phó giám đốc Sở Y tế cho hay 355 người dân của cụm dân cư số 2 hiện đã được khoanh vùng cách ly để ngăn ngừa phát tán bệnh ra bên ngoài. Các trường hợp tiếp xúc với 2 ca nhiễm bạch hầu được lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm. Toàn bộ cụm dân cư và các địa điểm như trường học, trạm y tế xã phải phun hóa chất khử trùng.

Ổ bệnh bạch hầu đầu tiên trong tỉnh được xác định tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May mắn (Krông Nô). Sau ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 7/6, liên tiếp 3 trẻ khác nhiễm bệnh.

2 trường hợp hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên, 2 ca còn lại đang được điều trị tại Trung tâm y tế Krông Nô. Các bệnh nhi đã được xét nghiệm 3 lần và đều âm tính với bạch hầu, sức khỏe ổn định, không ghi nhận yếu tố nguy hiểm đến tính mạng, theo ông Đặng Thành, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Liên quan đến ổ dịch này, 435 người có nguy cơ mắc bệnh phải uống thuốc phòng, toàn bộ khu vực được khử khuẩn.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trong nước cho hay bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.

Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm.

Nguyễn Sơn