Mới đây, quy định xử phạt tập thể thao “mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam” gây thắc mắc cho nhiều người bởi sự mơ hồ trong cách định nghĩa.

beach volleyball 54199 1421
Bóng chuyền bãi biển (Ảnh minh hoạ: freepix)

Nghị định 46/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2019 nêu nhiều mức phạt với hành vi trái đạo đức và văn hóa trong thi đấu, luyện tập thể thao.

Trong đó, Điều 7 quy định: hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng.

Từ khi được đưa ra, quy định trên đã khiến nhiều người thắc mắc thế nào là tập thể thao “mang tính chất khiêu dâm, đồi truỵ, trái với đạo đức xã hội …” bởi không có định nghĩa cụ thể, khiến nhiều người có thể có nhiều cách hiểu khác nhau.

Theo Khoản 4, Khoản 5, Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh phòng, chống mại dâm do Thủ tướng chính phủ ban hành thì Đồi trụy và khiêu dâm được hiểu như sau:

“Đồi trụy là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục.”

Còn theo Điều 3 Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL ngày 24/08/2010 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014) định nghĩa: “Khiêu dâm được hiểu là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khiêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam bao gồm: mô tả bộ phận sinh dục, khoả thân, mô tả khoả thân hoặc không khoả thân nhưng kích thích tình dục, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức.”

Nhiều ý kiến cho rằng, khi tập thể thao thường có xu hướng ăn mặc gọn nhẹ để có thể dễ dàng vận động. Một số môn như bơi lội, cử tạ, yoga, chạy v.v. thường mặc trang phục ôm người, hở nhiều da thịt thì có được coi là “kích thích ham muốn tình dục” hay “trái với thuần phong mỹ tục” không.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL cho rằng, hiện nay chưa có quy định nào để xử lý vấn đề trên. “Ví dụ như mê tín dị đoan và thuần phong mỹ tục từ trước đến giờ chỉ chung chung, không quy định váy đến đâu, quần đến đâu. Vậy nên cơ quan quản lý nhà nước chỉ xem thấy không phù hợp, công luận có ý kiến thì xử lý.”

Bởi vậy theo ông Phúc, quy định nêu trên chỉ mang tính định tính chứ chưa định lượng được.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: