Theo đại diện Bộ Công an, có trường hợp, các đối tượng môi giới thu từ người ghép 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/thận, nhưng người bán chỉ nhận 200 – 250 triệu đồng/thận.

ghep than gan
Một ca ghép thận – gan ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Có hội nhóm lên tới hàng nghìn người

Tại Hội thảo khoa học về đăng ký và phòng, chống mua bán bộ phận cơ thể người tổ chức sáng ngày 6/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đến hết năm 2022, cả nước có hơn 63.500 người đăng ký hiến sau khi chết, chết não. Việt Nam hiện có 24 trung tâm ghép tạng.

Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam thực hiện gần 7.300 ca ghép mô, tạng với 8 loại bộ phận cơ thể. Trong đó, số người được ghép thận nhiều nhất với hơn 6.000 người, tiếp đó là ghép gan, tim, phổi, thận, tụy, ruột…

Nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam rất lớn, ước tính có hàng chục nghìn người cần ghép thận, ghép tạng; hàng nghìn người cần ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm.

Hiện nay, cả nước có khoảng 5.000 – 6.000 người suy thận mạn tính cần được ghép thận nhưng không có nguồn cung cấp cho nên số bệnh nhân này đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến nảy sinh các hành vi mua, bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người. Hành vi này đã, đang để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Ông Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 5, Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết các đối tượng hoạt động chủ yếu thông qua các hội, nhóm kín trên mạng hoặc qua giao dịch trực tiếp với những người có nhu cầu mua (ghép) mô. Có nhóm có tới hàng nghìn người.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là tiếp cận người có nhu cầu mua (ghép) bộ phận cơ thể tại các bệnh viện hoặc thông qua mạng xã hội tìm kiếm người mua, người bán (dưới hình thức cho, hiến tặng), ra giá và thu tiền của người bệnh với giá cao, hứa hẹn trả cho người bán giá thấp để trục lợi, hợp thức hóa bằng việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để đưa người mua, người bán vào các tin bệnh viện phẫu thuật ghép tạng.

“Nhiều đối tượng hoạt động phạm tội trước đây đã từng là nạn nhân của loại tội phạm này nên biết được nhu cầu và lợi nhuận cao nên đã câu kết, móc nối với các đối tượng khác hình thành đường dây hoạt động phạm tội”, ông Trình nói.

Các đối tượng chủ yếu nhắm đến những bộ phận cơ thể người như: thận, gan, võng mạc… trong đó, thận là phổ biến nhất với thủ đoạn: tập trung tại các bệnh viện ở các thành phố lớn tiếp cận, làm quen với những người mắc bệnh thận, suy thận cần phải có thận để ghép.

Tiền tỷ để mua thận

Theo đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), những người bán thận chấp nhận bán để được một số tiền, trong khi lợi nhuận chủ yếu thuộc về các đối tượng môi giới.

Trước đây, số tiền mua, bán khoảng 150 triệu đồng/ca ghép thận, nay lên 200 – 300 triệu đồng/ca, thậm chí 500 – 700 triệu đồng/ca. Có trường hợp, các đối tượng môi giới thu từ người ghép 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/thận, nhưng người bán chỉ nhận 200 – 250 triệu đồng/thận.

Người bán thận phần lớn có nhu cầu che giấu sự việc nên đối tượng dụ dỗ bán thận khó bị phát hiện. Thậm chí, mới đây cơ quan chức năng còn phát hiện, ngăn chặn mua, bán tạng từ người hiến.

Mua bán nội tạng cơ thể người là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, vì nó không chỉ trực tiếp tác động đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn kéo theo nhiều hệ lụy.

Kết quả giám định cho thấy những người bán mô, bộ phận cơ thể đều bị tổn hại sức khỏe ít nhất từ 45 – 70%. Thậm chí có trường hợp tử vong do biến chứng hoặc nhiễm trùng trong quá trình xét nghiệm và phẫu thuật. Nhiều người chỉ vì túng quẫn trong một thời điểm mà đã phải trả giá quá đắt bằng chính sức khỏe hoặc tính mạng của bản thân.

Đề xuất đăng ký hiến tạng trên bằng lái xe, căn cước công dân

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đề xuất nên tích hợp đăng ký hiến tạng qua bằng lái xe và căn cước công dân.

Theo ông Phúc, việc đăng ký hiến tạng qua bằng lái xe và căn cước công dân sẽ giúp tiếp cận với mọi công dân khi đến tuổi trưởng thành; giúp tăng lượng người đăng ký hiến tạng lên nhiều lần. Khi người dân thi bằng lái xe hoặc làm căn cước công dân sẽ được hỏi về việc có đồng ý hiến tạng hay không.

Nếu người trưởng thành đồng ý hiến tặng sẽ được tích hợp thông tin bằng hình ảnh biểu tượng hoặc chữ hiến tạng (hoặc cả hai) trên bằng lái xe hoặc căn cước công dân, tạo hình ảnh nhân văn.

Đồng thời, việc tích hợp cũng thuận lợi xác định tâm nguyện người hiến tạng chết não (trong các trường hợp tai nạn giao thông hoặc các hoàn cảnh khác có liên quan) giúp tăng nguồn hiến mô, tạng từ người chết não; hạn chế tệ nạn mua bán tạng từ người hiến sống.

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho hay đến nay cả nước đã cấp hơn 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân.

Hiện Bộ Công an đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật căn cước công dân (sửa đổi), trong đó có nội dung liên quan đến việc bổ sung quy định về tích hợp thông tin công dân như thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn,…

Đại diện C06 cho hay đối với việc triển khai tích hợp thẻ đăng ký mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác vào căn cước công dân gắn chip sẽ tương tự như tích hợp, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay thế các thông tin khác (BHYT, BHXH,…).

Hoàng Minh