Ước tổng thiệt hại do mưa lũ lớn tại Tây Nguyên và Nam Bộ lên tới 992,5 tỷ đồng. 10 người chết, 1 người mất tích, hàng nghìn ngôi nhà ngập nước.

đà lạt ngập, thiệt hại do mưa lũ
Bảo Lộc (Đà Lạt) ngập chìm trong biển nước. Ước tính sơ bộ gần 800 nhà dân bị ngập chìm trong nước, tài sản, vật dụng bị nước nhấn chìm và cuối trôi. (Ảnh: baolamdong.vn)

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết tính đến  23h ngày 9/8, đã có 10 người chết trong mưa lũ. Trong đó, 1 người tại Gia Lai, 1 người tại Đắk Lăk, 5 người tại Đắk Nông, 2 người tại Kom Tum, 1 người tại Lâm Đồng; và 1 người mất tích tại Đồng Nai.

Tổng cộng 3.717 nhà bị ngập nước, 789 nhà phải di dời.

Về thiệt hại sản xuất, tính riêng nông nghiệp, 18.382 ha lúa, hoa màu bị ngập; 703 ha cây trồng lâu năm, 2.558 ha cây trồng hàng năm, 1.083 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về giao thông, 10 tuyến đường giao thông bị sạt lở, 5 cống bị hư hỏng.

Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính lên đến 992,5 tỷ đồng.

Theo diễn biến tại Phú Quốc, tính đến ngày 9/8, mưa lớn, ngập nghiêm trọng khiến 8.424 nhà bị ngập; 1.985 người phải sơ tán; 63 km đường bị ngập; thiệt hại nhiều hoa màu, gia cầm và thủy sản. Ước tổng thiệt hại 107 tỷ đồng, chưa kể thiệt hại do toàn bộ các chuyến bay khởi hành từ Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đi nơi khác bị hủy.

Phú quốc ngập, thiệt hại do mưa lũ
Ngập lụt bất thường tại huyện đảo Phú Quốc. Tổng lượng mưa lên đến trên 1.000 mm. (Ảnh: FB)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 2-9/8, tổng lượng mưa đo được tại huyện đảo Phú Quốc là trên 1.000 mm. Theo UBND huyện Phú Quốc, đây là lượng mưa rất lớn chưa từng xuất hiện trên đảo, lớn hơn so với trung bình nhiều năm và diễn ra trong thời gian ngắn. Diễn biến thời tiết bất thường cộng hệ thống thoát nước xây dựng đã lâu, xuống cấp, thiếu đồng bộ và quá tải, đã gây nên ngập nước nghiêm trọng.

Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ dự báo mưa tại Phú Quốc sẽ còn tiếp diễn sang ngày 11/8, chỉ còn tập trung vào chiều tối.

Tỉnh Đắk Nông xảy ra sự cố kẹt van xả tại đập thủy điện Đắk Kar. Sự cố khiến đường ống áp lực bị vỡ, sạt mái hạ lưu đe dọa nghiêm trọng an toàn cửa đập và khu vực hạ du. 5.000 hộ dân ở Bình Phước và 500 hộ ở Đắk Nông phải di dời đến nơi an toàn. Theo cập nhật, 12h ngày 10/8, đã nâng được van xả số 1 lên 40 cm, tiếp tục nâng van xả thứ 2 để xả lũ.

Ngoài thủy điện Đắk Kar, thủy điện Đắk Sin 1 cũng bị sự cố vỡ ống dẫn nước nên cũng không đóng được cửa nhận nước. Việc không đóng được cửa nhận nước đã khiến nhà máy thủy điện Đắk Sin 1 bị ngập, không vận hành được. Công ty đã ngừng phát điện, đưa toàn bộ công nhân ra khỏi vị trí nguy hiểm, đồng thời xả lũ khẩn cấp qua tràn.

Mưa lớn từ 1h ngày 7/8 đến rạng sáng 8/8 khiến quả đồi rộng khoảng 1ha sụp đổ, vùi lấp gia đình 3 người tại khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Sin 1. Lúc gặp nạn, người vợ đang mang thai đứa con thứ hai.

Tại tỉnh Lâm Đồng, theo báo cáo sơ bộ, 10/12 huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ. Tại huyện Lạc Dương, 41 người bị cô lập do mưa lũ trong đêm 7/8 và sáng 8/8 đã được giải cứu, có tới 65 căn nhà bị ngập, trong đó 15 căn hư hỏng hoàn toàn, 100 ha hoa màu bị cuốn trôi; khoảng 300 tấn cá tầm nuôi tại xã Lát bị cuốn trôi, 30 cây thông dọc đường ĐT 722 bị đổ…

Ngay tại TP Đà Lạt, nước lũ dâng cao gây ngập một số nhà hai bên suối Cam Ly và suối Phan Đình Phùng. Sơ bộ thống kê có 11 căn nhà bị ngập, hư hỏng 20 ha hoa màu, 3.000 m2 nhà kính…

Lâm đồng ngập, thiệt hại do mưa lũ
Dùng ròng rọc cứu người bị kẹt trong nước lũ tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). (Ảnh: baolamdong.vn)

Tại Cà Mau, xảy ra sự cố khoảng 300 m đê biển Tây, tỉnh Cà mau bị sóng và triều cường đánh sạt lở, nguy cơ vỡ đê rất cao. Nguyên nhân do do mưa lớn kéo dài, kết hợp với triều cường cao bất thường, sóng cao đánh liên tiếp.

Đến ngày 8/8, thông tin cho biết đã xử lý được 356 m cừ tràm, vải bạt và 15.000 bao tải đất. Hiện, các lực lượng đang đắp con trạch bằng bao tải cát, khoảng 100 người duy trì túc trực tại hiện trường. Tính đến 16 giờ ngày 9/8, tình trạng đê tạm thời ổn định.

Ngoài nguy cơ gây vỡ đê, triều cường dâng cao bất thường đã làm ngập rất nhiều nhà dân. Tại huyện Trần Văn Thời, 11 căn nhà bị sập, tốc mái 125 căn, thiệt hại tài sản hiện vẫn đang thống kê. Tại huyện U Minh, 22 căn nhà bị sập hoàn toàn, tốc mái 53 căn nhà, ước thiệt hại khoảng 749 triệu đồng. Nước dâng làm ngập 723 hộ, ước thiệt hại trên 3,3 tỷ đồng.

Tại tỉnh Bạc Liêu, tính đến ngày 9/8, hơn 60 căn nhà bị sập và tốc mái, 10 trụ điện bị đổ ngã; 500 m bờ kênh bị sạt lở; hơn 350 ha lúa, hoa màu bị ngập úng… Ước tính tổng thiệt hại hơn 700 triệu đồng. Riêng địa bàn thành phố Bạc Liêu và huyện Phước Long chưa thống kê được thiệt hại do còn mưa khá lớn.

Trước đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông kết hợp với gió mùa Tây Nam cường độ mạnh, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa lớn kéo dài trong các ngày 6-9/8. Mưa lớn tập trung tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Kiên Giang.

Cơ quan khí tượng dự báo mưa lớn tại các tỉnh sẽ tiếp tục kéo dài đến hết ngày 11/8. Từ 12-16/8, mưa giảm xuống, chỉ còn xuất hiện rải rác và tập trung vào chiều và đêm.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã phát công điện khẩn yêu cầu các tỉnh thành tập trung khắc phục các sự cố sau mưa lũ, tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút, khử độc, tẩy trùng, không để xảy ra dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân về sinh hoạt bình thường.

Nguyễn Quân

Xem thêm: