Nhận định MV “There’s no one at all” của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP có ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Việt Nam đã đề nghị các nền tảng xuyên biên giới như Google (bao gồm Youtube) ngăn chặn MV này ngay lập tức, các nền tảng mạng khác không được đăng tải.

son tung mtp mv tieu cuc 0
Hình ảnh u tối, thông điệp tiêu cực thể hiện xuyên suốt trong MV “There’s no one at all” của Sơn Tùng M-TP. (Ảnh chụp màn hình/Youtube)

Chiều 29/4, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho biết, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có văn bản trao đổi với Bộ TT&TT về nội dung MV “There’s no one at all” của Sơn Tùng M-TP.

Qua thẩm định, nội dung MV này được kết luận là gây tác động xấu tới giới trẻ, nhất trong bối cảnh một số bạn trẻ có vấn đề về tâm lý hiện nay. Bộ TT&TT đã đề nghị các nền tảng xuyên biên giới như Google (bao gồm Youtube) gỡ ngay tức khắc MV này.

Theo quy định, việc gỡ này sẽ được thực hiện trong thời gian 1-2 ngày. Tuy nhiên, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) sẽ cố gắng tác động để các nền tảng gỡ xuống càng sớm càng tốt.

“Ngay sau đó, các cơ quan liên quan sẽ làm việc với công ty phát hành MV này và ca sĩ Sơn Tùng. Bộ VHTT&DL sẽ xử lý nội dung về văn hóa phẩm của MV”, ông Phúc cho biết.

Người trẻ được khuyến cáo không nên tìm và xem MV này.

MV ‘There is no one at all’ của Sơn Tùng vi phạm quy định gì?

Trước khi có quyết định trên, sáng 29/4, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) (Bộ TT&TT) cho hay nội dung MV đã vi phạm quy định về hoạt động biểu diễn.

Sáng 29/4, trao đổi với Zing, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho hay ông đã xem MV “There’s no one at all” 3 lần, cho rằng hình ảnh trong MV “có nội dung tiêu cực tới giới trẻ, thể hiện suy nghĩ, lối sống và hành động tự tử gây tác hại lớn”.

Những hình ảnh này càng gây nguy hiểm trong bối cảnh nhiều bạn trẻ có vấn đề về tâm lý sau hai năm về đại dịch, theo ông Do.

Về mặt quản lý, ông Do cho hay MV này vi phạm khoản 4, Điều 3, Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động biểu diễn. Hiện Cục PTTH&TTĐT đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có hướng xử lý chính thức.

Trưa cùng ngày, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) cho biết Cục này đã có văn bản gửi đến Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục PTTH&TTĐT và các đơn vị liên quan phối hợp xử lý MV “There’s no one at all” (Sơn Tùng M-TP) theo hướng dừng lưu hành, theo VOV.

Nội dung MV được xác định mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em.

Bởi các lý do trên, Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá nội dung trên có dấu hiệu vi phạm quy định “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội” tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP.

Từ đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị xử lý theo hướng dừng lưu hành sản phẩm này.

Cảnh giới cao nhất của giáo dục là gì?

Ca sĩ thần tượng “thôi thúc tự tử” trước hàng triệu người trẻ?

Các động thái trên được đưa ra sau khi làn sóng phản đối tính chất tiêu cực, bạo lực của MV “There’s no one at all” của Sơn Tùng M-TP tràn ngập trên các trang báo, trang mạng xã hội kể từ sáng 29/4.

Mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng trăm bài đăng kêu gọi báo cáo (report) MV “There’s no one at all” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP xuất hiện từ sáng 29/4 trên mạng xã hội Facebook. Các ý kiến cho rằng MV có nội dung gây hại hoặc nguy hiểm với hành vi tự gây thương tích, tự tử. Các bài đăng này nhận được lượng tương tác lớn, bày tỏ ý kiến đồng tình.

Một số nhà báo, nhiếp ảnh gia… có sức ảnh hưởng đã lên tiếng phản đối MV nói trên. Nhà báo Phương Nam (báo Pháp Luật TP.HCM) cho hay: “Một ca sĩ có ảnh hưởng tới giới trẻ như Sơn Tùng mà phát hành clip tiêu cực, tự tử không khác gì tội xúi giục hoặc giúp sức người khác tự sát!”

Nhà báo Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế lên tiếng: “MV mới của Sơn Tùng MTP thực sự là sản phẩm có hại đối với tuổi teen. Youtube cần xoá sản phẩm này!”

son tung mtp mv tieu cuc 1
Nhân vật do ca sĩ Sơn Tùng M-TP thể hiện trong MV lấy hành động bạo lực, tấn công vô cớ người khác như một cách để khẳng định sự tồn tại. (Ảnh chụp màn hình/Youtube)

Facebooker Bạch Hoàn cho hay đã gửi ý kiến về MV ca nhạc nói trên đến Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL). “Lãnh đạo Cục cho biết đang phối hợp với Cục PTTH&TTĐT để có biện pháp xử lý căn cứ theo quy định của pháp luật. Khả năng là gỡ bỏ MV khỏi tất cả các nền tảng Internet”. 

Trong một bài chia sẻ dài trên Facebook, nhà báo Hoàng Anh Tú, từng làm Trưởng ban tại Báo Sinh Viên Việt Nam cho hay trên tư cách một người cha con con từng là fan của Sơn Tùng M-TP, sai lầm của MV “There’s no one at all” là khiến giới trẻ lầm lẫn giữa phim ảnh và đời thực. MV này là một sự “thôi thúc” từ chính thần tượng, cổ súy cho hành động ngông cuồng, tự sát trong giới trẻ. 

Anh viết: “[…] Tùng chưa làm cha mẹ, Tùng không biết nhiều cha mẹ sẽ giật mình sợ hãi khi con họ xem MV này. Nhất là khi liên tục những vụ nhảy lầu tự tử đã diễn ra khiến các bậc làm cha, làm mẹ chưa hết bàng hoàng. Thêm một “thôi thúc” nữa từ thần tượng “Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần, thay vì do dự, hãy quyết đoán”. Nên sáng nay, trên khắp các mặt báo, nhiều cha mẹ đã thót tim sợ hãi.

Nếu Tùng biết, việc phân biệt giữa phim ảnh với ngoài đời thực là khó khăn với lũ trẻ. Nếu Tùng biết, tự tử có tính lây lan rất mạnh. Nếu Tùng biết lũ trẻ chưa đầy đủ nhận thức, thậm chí hầu hết phim Hàn đều có câu quen thuộc khi mở đầu phim: Câu chuyện trong phim chỉ là hư cấu. Mỗi sản phẩm khi đưa ra đại chúng, người ta luôn phải gắn nhãn giới hạn độ tuổi. Tôi nghĩ là do Tùng quên hoặc Tùng chưa biết. Và tôi cũng không mong sau MV này có bất cứ một hành động tiêu cực nào bắt chước Boss của các Sky. Bởi ngoài việc Tùng muốn đổi mới bản thân, muốn tạo ra một thứ tuyệt phẩm hay một cú nhảy vọt của mình, làm ơn, hãy trách nhiệm với các fan của mình, những đứa trẻ có khi mới 6-16 tuổi. Chết thật dễ nhưng sống mới khó, hãy nói điều đó với fan của mình…”

MV “There’s no one at all” là single tiếng Anh của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, được phát hành vào 20h tối 28/4. MV này khác biệt với hầu hết các sản phẩm trước đây của nam ca sĩ về cả ngôn ngữ, hình ảnh cho đến nội dung, thông điệp.

MV sử dụng màu sắc u ám, âm thanh khó nghe, các câu hát có dung lượng rất ngắn, lặp đi lặp lại. Sự chú ý tập trung vào nội dung hình ảnh khi Sơn Tùng thể hiện hình ảnh một đứa trẻ bị bỏ rơi ở cô nhi viện, bị bạo lực học đường, lớn lên mang theo nỗi oán hận trở thành kẻ ngông cuồng, coi việc tấn công mọi người vô cớ như cách để khẳng định sự tồn tại. Hình ảnh cuối gây sốc khi nhân vật này chọn cách nhảy lầu tự tử.

Sơn Tùng M-TP thể hiện mục tiêu quảng bá MV “There’s no one at all” ra quốc tế khi sử dụng tiếng Anh và được cài đặt giờ phát hành riêng tại các thành phố New York, Los Angeles, Tokyo, Seoul.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng một số hình ảnh, các thể hiện của trong MV trên hao hao giống hình tượng và nội dung trong các MV của một nam ca sĩ Hàn Quốc nổi tiếng.

Tính đến 16h30 ngày 29/4, MV “There’s no one at all” đã đạt hơn 6,8 triệu lượt xem trên YouTube sau 20 tiếng phát hành.

Kênh Youtube “Sơn Tùng M-TP Official” hiện sở hữu hơn 9,85 triệu người đăng ký; tài khoản Instagram @sontungmtp cán mốc 6 triệu người theo dõi kể từ cuối tháng 1/2021. Fanpage “FC SƠN TÙNG M-TP” (chế độ riêng tư) có 188.000 thành viên; “Sơn Tùng M-TP” (chế độ công khai) có 20.000 thành viên.

Sơn Nguyên