Ngày 19/4, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TC-NS) báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016.

Theo đó, hàng loạt các vấn đề như quản lý thu chi ngân sách còn hạn chế, không chấp hành kỷ luật tài chính, tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế chưa được khắc phục, việc mua sắm tài sản công chưa hợp lý, tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu,… được nêu ra. 

Báo cáo cho biết năm 2016, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 47 cuộc thanh tra, xử lý tài chính 16.742,5 tỷ đồng.

Hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát 753.307 tỷ đồng chi thường xuyên cho ngân sách nhà nước (bằng 90% dự toán năm) – đã phát hiện 28.800 khoản chi chưa đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối thanh toán 42 tỷ đồng; từ chối thanh toán vốn đầu tư 149,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo đánh giá, trong năm 2016, nhiều địa phương, tổ chức làm lễ kỷ niệm gây lãng phí tốn kém. Điển hình là tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng để mua quà tặng (bộ ấm chén) dịp kỷ niệm tái lập tỉnh; Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỷ đồng (khoảng hơn 70 tỷ đồng) mua kỷ niệm chương nhân dịp 80 năm ngày truyền thống thợ mỏ…

Ô tô công dư 7.000 chiếc sau khi thực hiện các quy định mới về việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước.

Ngoài ra, mua sắm công không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, xác định giá gói thầu không hợp lý, dẫn đến giá mua sắm cao bất hợp lý nhất là trong lĩnh vực y tế như sự việc tại Gia Lai, Đăk Lăk, Bắc Kạn…

no cong
Từ năm 2006 tới năm 2016, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP tăng từ 0,99% lên 8,24%. (Hình minh họa)

Việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với các công trình giao thông cũng đạt hiệu quả kém như: Dự án tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân được khởi công xây dựng từ năm 2005 với tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa hoàn thành; Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội được khởi công từ 2006 với tổng mức đầu tư ban đầu 18.408 tỷ đồng, nhưng qua nhiều lần điều chỉnh đến nay tổng mức đầu tư đội lên thành 36.000 tỷ đồng và chưa ấn định được thời gian hoàn thiện dự án,…

Nhiều dự án trong tổng 27 dự án BOT phải rút ngắn từ 5 – 7 năm thu phí, tổng cộng các dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí; 11/27 dự án BOT còn chưa chính xác làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý lên con số 465,5 tỷ đồng, một số dự án tăng tổng mức đầu tư ban đầu lên 100%; việc đặt các trạm thu phí gây nhiều bấp cập, bức xúc đối với người dân tại nhiều tỉnh như Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình…

Ngoài ra, hàng năm, việc quản lý tài khóa còn nhiều bất cập trong khi các địa phương, bộ ngành tổ chức nhiều lễ kỷ niệm, lễ hội festival tiêu tốn quá nhiều tiền.

Cũng theo báo cáo, năm 2016, Chính phủ thực hiện việc tinh giản bộ máy cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức và tỷ lệ tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu.

Với tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài nhiều năm, nợ công đã trở thành vấn đề bức bách nhất của Chính phủ và nền kinh tế Việt Nam; giai đoạn 2006 -2016, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP tăng từ mức 0,99% lên đến 8,24%.

Theo số liệu được công bố chính thức của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng bình quân 18,5%/năm, gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2015, nợ công tăng gấp 2,3 lần năm 2010; gấp 7,6 lần năm 2005 và 14,8 lần năm 2001. Cách đây 15 năm, nợ công chỉ chiếm 36,5% GDP và hiện đã chiếm gần 65% GDP.

Những năm qua, Chính phủ phải áp dụng phương pháp vay đảo nợ để có nguồn tiền trả nợ công: năm 2013 phải đảo nợ 47.000 tỷ đồng, chỉ một năm sau đó con số đảo nợ đã tăng lên mức 106.000 tỷ đồng, con số này năm 2015 đã là 125.000 tỷ đồng, và năm 2016 tiếp tục phải đảo nợ 95.000 tỷ đồng.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: