Đây là kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2017, theo đó phát hiện thừa hơn 57.000 biên chế trong khu vực nhà nước.

tinh gian bien che
(Ảnh minh họa)

Trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công.

Từ năm 2015 đến ngày 30/11/2017, cả nước đã thực hiện tinh giản biên chế 32.154 người, trong đó, các cơ quan của Đảng, đoàn thể là: 1.290 người; các cơ quan hành chính là: 3.842 người; các đơn vị sự nghiệp công lập là: 21.951 người; cán bộ, công chức cấp xã là: 5.287 người; doanh nghiệp nhà nước: 164 người.

Tuy đã tinh giảm biên chế, nhưng kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2017 vẫn phát hiện thừa hơn 57.000 biên chế trong khu vực nhà nước.

Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính về công tác quản lý ngân sách nhà nước phát hiện một số địa phương giao biên chế sự nghiệp Giáo dục – đào tạo vượt định mức (An Giang vượt 99 người; Lâm Đồng vượt 63 người).

Trước đó, cuối tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018. Theo đó, kế hoạch năm 2018 sẽ giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015, giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.

Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Dừng việc giao bổ sung biên chế. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao. Có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Vụ trưởng Vụ điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương, mục tiêu của giảm biên chế không chỉ nhằm giảm số lượng người làm công ăn lương mà còn phải tạo ra đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng cao. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ phải thể chế hóa chủ trương tinh giản biên chế thành thể chế pháp luật cụ thể, trong đó chú ý xây dựng các quy định về cơ chế cạnh tranh trong tuyển dụng, bố trí cán bộ.

Báo cáo còn cho thấy công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Qua công tác thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành, địa phương phát hiện tình trạng chi ngân sách nhà nước sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn xảy ra tại nhiều đơn vị.

Cụ thể, số liệu từ báo cáo của Chính phủ cho hay, kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm tỷ lệ trên 50 % tổng kinh phí hoạt động của các đơn vị (khoảng 140.000 tỉ đồng), tăng 2,2 % so với năm 2016.

Báo cáo của Chính phủ đặt ra nhiều chỉ tiêu tiết kiệm trong các lĩnh vực trong năm 2018, như giảm 2,5 % số đơn vị sự nghiệp công lập; thu hồi 100 % nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định; hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền; không sử dụng vốn vay nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vay thương mại để mua xe ô tô công; đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán xe công, phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30 % – 50 % số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: