Theo kế hoạch sử dụng biên chế, năm 2018, Hà Nội đặt mục tiêu giảm gần 8.600 biên chế viên chức sự nghiệp và biên chế công chức hành chính – đây được coi là lần tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay của thành phố.

tinh gian bien che
(Ảnh minh họa: Human resources)

Sáng ngày 5/12, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của thành phố.

Theo đó, trong năm 2018, khối hành chính là 10.661 biên chế. Trong đó, biên chế công chức là 8.891 biên chế – giảm 225 biên chế so với năm 2017; lao động hợp đồng giảm 11 chỉ tiêu so với năm 2017.

Khối sự nghiệp là 148.822 biên chế, trong đó viên chức là 127.933 biên chế – giảm 7.190 người so với năm 2017 và 11.568 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định số 68 năm 2000 của Chính phủ  – giảm 1.137 chỉ tiêu do chuyển chỉ tiêu theo các đơn vị tự chủ và giảm do sắp xếp.

Theo ông Trần Huy Sáng – Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, đây được coi là lần sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay của TP. Hà Nội.

Năm 2017, TP. Hà Nội tinh giản được 1.267 biên chế, gồm: 282 biên chế công chức và 668 biên chế viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần. Thành phố cũng đã giải quyết 551 trường hợp nghỉ tinh giản theo Nghị định số 108 năm 2014 của Chính phủ.

Trước đó, sáng ngày 29/11, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, ông Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu ra nghịch lý trong việc tinh giản biên chế sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 39 – số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên.

Theo Nghị quyết 39, mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người nhưng thực tế lại không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn” – ông Minh cho hay.

Bên cạnh đó, về số lượng cấp phó, ông Minh cũng khẳng định “Chúng ta đang lạm phát cấp phó”. Hiện cả nước có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng – chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện.

Thống kê, cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng.

Ngoài ra, về chi thường xuyên, năm 2017 tăng 7,87% so với năm 2016, tăng 16,25% so với năm 2015 (năm ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế); tỷ lệ công chức viên chức hưởng lương “về cơ bản là cao hơn rất nhiều so với các nước” – ông Chính đánh giá.

Trần Tâm

Xem thêm: