Gần nửa năm “đóng băng” nhiều hoạt động do yêu cầu giãn cách xã hội ở nhiều mức độ, TP.HCM vẫn ghi nhận tới 544 vụ tai nạn lao động trong năm 2021, khiến 549 người thương vong.

sap gian giao tphcm 2018
Một nam công nhân gặp nạn trong vụ sập giàn giáo công trình xây dựng Văn phòng cho thuê Tower B&L – số 119 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM, ngày 26/12/2018. (Ảnh cắt từ clip/Người dân ghi lại/An toàn giao thông – Văn hóa giao thông/Facebook)

Trung tuần tháng 2/2022, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM công bố báo cáo về tình hình tai nạn lao động tại TPHCM năm 2021. Sở này cho biết tổng hợp từ báo cáo của hơn 4.200 doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động có trụ sở chính đặt ở TP.HCM, trong năm 2021 đã xảy ra 544 vụ tai nạn lao động. Con số này đã giảm 462 vụ so với năm 2020, tương đương gần 46%.

Hậu quả khiến 549 người chết và bị thương; giảm 481 người so với năm 2020, tương đương giảm 46,69%.

Theo công bố của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tai nạn lao động xảy ra chủ yếu tại các cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong đó, số vụ tai nạn xảy ra nhiều nhất tại các cơ sở may trang phục (95 vụ, chiếm tỷ lệ 17,52%); kế đến là tại các cơ sở gia công, sản xuất các sản phẩm khác bằng kim loại (77 vụ, chiếm 14,2%); sản xuất giày, dép (76 vụ, chiếm 14,02%); thuộc, sơ chế da, sản xuất va li, túi sách, yên đệm, sơ chế và nhuộm da lông thú (53 vụ, chiếm 9,77%).

Các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chiếm tỷ lệ cao nhất ở lĩnh vực thi công xây dựng, chiếm tới 16 vụ trên tổng số 52 vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trong năm 2021 (chiếm tỷ lệ 30,77%).

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động là do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn, chiếm tới 40,03% số vụ. Nguyên nhân khách quan khó tránh chiếm tỷ lệ 38%; tai nạn được hưởng trợ cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động, chiếm tỷ lệ 11,62%; không có thiết bị an toàn, thiết bị không đảm bảo an toàn, chiếm tỷ lệ 3,32%; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, chiếm tỷ lệ 3,13%.

Phân loại theo nhóm ngành nghề, những công việc thường xảy ra tai nạn lao động gồm: thợ chế biến lương thực, thực phẩm, đồ gỗ, hàng dệt, may, da, giày (204 người, chiếm tỷ lệ 37%); tiếp đến là lao động giản đơn; thợ vận hành máy móc, thiết bị sản xuất; thợ gia công kim loại, thợ cơ khí và thợ khác có liên quan; thợ xây dựng…

Cũng theo báo cáo, trong năm 2021, tổng số tiền thiệt hại do tai nạn lao động là hơn 12,6 tỷ đồng; trong đó, chi phí y tế hơn 2,1 tỷ đồng; chi phí trả lương trong thời gian điều trị hơn 2,8 tỷ đồng; chi phí bồi thường trợ cấp hơn 7,9 tỷ đồng; không có thống kê về thiệt hại tài sản (thiệt hại này không tính trong tổng chi phí thiệt hại do tai nạn lao động).

Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động xảy ra trong cả năm 2021 là 10.017 ngày, giảm 42,96% so với cùng kỳ cả năm 2020.

Trong năm, tại quận 1 xảy ra 32 vụ tai nạn làm 6 người tử vong và 8 người bị thương nặng; tại quận 7 xảy ra 87 vụ khiến 1 người tử vong và 7 người bị thương nặng; tại TP Thủ Đức xảy ra 118 vụ làm 4 người tử vong…

Trong năm 2021, với đợt dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021, phần lớn các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại TP.HCM ở trong trạng thái “đóng băng” nhiều tháng do yêu cầu giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ, bắt đầu từ ngày 31/5 (Chỉ thị 15) đến giãn cách nghiêm ngặt từ tháng 7-9 (theo Chỉ thị 16), đến đầu tháng 10 (nới lỏng dần theo Nghị quyết 128).

Minh Sơn