Đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho biết, việc điều chỉnh giá nước tiến hành theo lộ trình do UBND TP.HCM ban hành ở Quyết định số 25/2019 ngày 24/10/2019. Theo đó, giá nước sẽ tăng từ 400 – 1.200 đồng/m3.

nhan vien nha may nuoc thu duc sua may bom
Nhân viên Nhà máy nước Thủ Đức kiểm tra hệ thống máy bơm. (Ảnh: Lê Phan/sawaco.com.vn)

Ngày 12/12, Sawaco cung cấp thông tin về việc điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt từ ngày 1/1/2022.

Cụ thể, giá nước sinh hoạt (trong định mức 4m3/người/tháng) sẽ được điều chỉnh tăng từ 6.300 đồng thành 6.700 đồng/m3. Riêng hộ nghèo và cận nghèo sẽ điều chỉnh tăng từ 6.000 đồng thành 6.300 đồng/m3.

Với định mức nước sử dụng từ 4m3 đến 6m3/người/tháng, giá nước sẽ điều chỉnh tăng từ 12.100 đồng thành 12.900 đồng/m3.

Với định mức sử dụng trên 6m3/người/tháng, giá nước sẽ điều chỉnh tăng từ 13.600 đồng thành 14.400 đồng/m3.

Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, giá nước sẽ điều chỉnh tăng từ 12.300 đồng thành 13.000 đồng/m3. Đơn vị sản xuất, giá nước sẽ điều chỉnh tăng từ 11.400 đồng thành 12.100 đồng/m3. Đơn vị kinh doanh, dịch vụ, giá nước sẽ điều chỉnh tăng từ 20.100 đồng lên 21.300 đồng/m3.

Ngoài ra, từ năm 2022, Sawaco sẽ thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thông qua hóa đơn tiền nước.

Về mức giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, UBND TP.HCM cũng ban hành lộ trình thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính trên giá nước cấp bắt đầu từ năm 2022 là 15%, năm 2023 là 20%, năm 2024 là 25% và năm 2025 về sau là 30%.

Theo Sawaco, việc bắt đầu thu hộ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải cộng với thuế giá trị gia tăng có thể sẽ khiến chi phí nước sinh hoạt tăng từ năm tới. Nhưng nếu xét riêng tiền cấp nước đơn thuần, mức giá nước sinh hoạt dành cho các hộ dân sau điều chỉnh tăng từ 400 đồng/m3 so với năm 2021, tương ứng 6%. Nếu một hộ dân nhà 4 người sử dụng dưới 15m3/tháng thì số tiền tăng thêm vào khoảng 6.000 đồng mỗi tháng.

Sawaco cho biết lúc 4h sáng ngày 12/12, đơn vị đã xử lý xong sự cố tuyến ống 1.200mm trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM, kết hợp bảo trì Nhà máy nước Thủ Đức.

Hiện việc tái cấp nước đã được thực hiện, tuy nhiên sẽ có xáo trộn thủy lực dẫn tới nước yếu, nước đục. Sawaco cung cấp đường dây nóng các công ty cấp nước phụ trách các địa phương để người dân liên hệ:

  • Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức: 19001012;
  • Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành: 1900068868;
  • Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định: 19001024;
  • Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân: 02839 552 650;
  • Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa: 19006489;
  • Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn: 0865 851 088;
  • Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè: 19001210;
  • Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn: 02837 610 266.

TP.HCM: Dự kiến thu phí thoát nước thay phí bảo vệ môi trường, bằng 35% giá nước

Chất lượng nước mặt sông Sài Gòn, Đồng Nai (nguồn cung nước thô cho TP.HCM) đang bị ô nhiễm

Hiện nay, 94% nguồn nước thô của TP.HCM là lấy từ hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai thông qua 2 trạm bơm Hòa Phú (huyện Củ Chi) và Hóa An (Đồng Nai), sau đó được dẫn về cụm Nhà máy nước Tân Hiệp, Nhà máy nước Thủ Đức xử lý, cung cấp cho người dân.

Tuy nhiên, TP.HCM nằm phía cuối lưu vực nên còn tồn tại rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế – xã hội dọc theo hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai.

Chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đặc biệt là sông Sài Gòn nhìn chung biến động và có xu hướng xấu hơn. Các chỉ tiêu như ammonia (NH3-N), hữu cơ, vi sinh, mangan (Mn)… trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng. Số lượng trực khuẩn, E.coli, độ đục và hàm lượng ammonia, mangan đều vượt quá chuẩn cho phép của Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về cấp nước cho cộng đồng.

Theo kết quả điều tra của Sở TN-MT TP, chất lượng nước sông Sài Gòn từ Hóa An về Cát Lái đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và bị ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Trong đó, nước của sông Sài Gòn từ Bình Phước trở xuống đến điểm đổ ra sông Đồng Nai chỉ đạt chuẩn nguồn loại B, đang bị ô nhiễm vi sinh cao. Ngược lại, nước ở phần thượng nguồn từ Bình Phước trở lên đạt tiêu chuẩn nguồn loại A.

Theo định hướng phát triển hệ thống cấp nước của TP giai đoạn 2020 – 2050, TP.HCM sẽ di dời dần điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Cụ thể, giai đoạn 2020 – 2030, TP sẽ di dời điểm khai thác nước thô hiện tại ở xã Hòa Phú (huyện Củ Chi) lên vị trí mới cách trạm bơm Hòa Phú hiện hữu khoảng 15 – 20 km, cách ngã ba sông Thị Tính – sông Sài Gòn khoảng 10 – 15 km về phía thượng lưu. Việc này nhằm hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ vào sông Thị Tính.

Trong tương lai, các nhà máy nước hiện hữu và nhà máy mới sẽ được cung cấp nước thô trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An. Các nhà máy nước dự kiến được xây từ 2 hướng Đông và Tây của TP.

Trong đó, nhà máy nước phía Đông có công suất 500.000 m3/ngày và đêm, sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai, hồ Trị An, dự kiến hoạt động năm 2040, vị trí đặt tại TP. Thủ Đức.

Nhà máy nước phía Tây sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng với công suất 2 triệu m3/ngày và đêm (năm 2050), vị trí đặt tại huyện Hóc Môn hoặc Bình Chánh.

Minh Long

Xem thêm:

Hà Nội đề xuất chi 165 tỷ đồng miễn, giảm tiền nước sạch trong 4 tháng cho người dân