Giới chức Thừa Thiên – Huế cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rừng bị giảm là do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

rung huyen a luoi bi don ha
Rừng ở huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế bị đốn hạ, nằm ngổn ngang. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Ngày 1/3, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết tỉnh vừa có quyết định công bố về hiện trạng rừng 1 năm qua.

Theo đó, năm 2022, tỉnh có 305.560 ha diện tích đất có rừng. Trong đó, rừng tự nhiên có 205.602ha; rừng trồng đã thành rừng có 77.148ha; diện tích đã trồng chưa thành rừng có 22.809ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 57,15%.

Đáng chú ý, năm 2022, diện tích rừng tự nhiên giảm là 72,16ha.

Theo giới chức tỉnh, nguyên nhân diện tích rừng giảm chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích 43,34ha (huyện Phú Lộc 41,05ha; huyện Phong Điền 2,29ha).

Cùng với đó, nguyên nhân rừng bị giảm còn do sạt lở với diện tích 22,81ha (huyện Phong Điền 10,13ha; huyện A Lưới 6,96ha; huyện Nam Đông 2,71ha) và do phá rừng trái pháp luật, lấn chiếm rừng có 6,01ha (huyện Nam Đông 3,24ha; huyện Phú Lộc 0,09ha; huyện A Lưới 2,65ha; huyện Phú Vang 0,03ha).

Mỗi năm Việt Nam suy giảm khoảng 2.500ha rừng

Theo Cổng thông tin điện tử của Hội nông dân Việt Nam, năm 2021, Việt Nam trồng được 277.830ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%.

Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800ha, trong đó, rừng bị cháy khoảng 13.700ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm Việt Nam suy giảm khoảng 2.500ha rừng.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2021, cả nước phát hiện 2.653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, giảm 13% so với năm 2020. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.229ha, tăng 527ha.

Khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật.

Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2019, tổng diện tích có rừng của khu vực này là gần 2,6 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 45,9%. Trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tịch thu 9.898m3 gỗ các loại.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang tác động, làm mất một diện tích rừng rất lớn do bị cháy, sạt lở rừng ven biển. Chỉ riêng ở Cà Mau 10 năm qua đã mất gần 5.000ha rừng phòng hộ ven biển. Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, giai đoạn 2011-2020, tỉnh này mất khoảng 4.950ha rừng ven biển.

Việt Nam hiện có khoảng 200.000ha rừng ngập mặn. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác, chặt phá rừng vẫn còn diễn ra. Ngoài ra, những cơn gió, bão, sóng biển cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn.

Hoàng Minh