Liên quan đến vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, sau hơn một năm khởi tố vụ án, khởi tố bị can, danh sách sai phạm mới công bố tên của 151 cá nhân thuộc các Sở, Ban, Công an thành phố, Công an tỉnh, khối quân đội… Tuy nhiên, ngoại trừ 5 bị can vừa đưa ra xét xử sơ thẩm, hàng trăm cá nhân nói trên vẫn chưa có bất cứ kết luận nào xử lý về mặt pháp luật. Kết luận mới công bố là các hình thức kỷ luật về mặt đảng.

nâng điểm ở Hà Giang, gian lận thi cử
Trong vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, tháng 6/2019, Công an tỉnh Hà Giang đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý phụ huynh có con được nâng điểm. (Ảnh: vietnamfinance.vn)

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, tính đến ngày 30/9, có 151 cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Trừ 2 trường hợp (là phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang – ông Trần Đức Quý và nguyên giám đốc Sở GD-ĐT – ông Vũ Văn Sử) đã bị cảnh cáo, còn 149 cán bộ, đảng viên chưa thi hành kỷ luật.

Danh sách bao gồm hàng loạt nhân vật đang đảm nhiệm các chức vụ trong cơ quan hành chính như Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT; Phó giám đốc Sở NN-PTNT; Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư; cán bộ thuộc Ban Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang; Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân Sự huyện Vị Xuyên; Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vị Xuyên…

Trong khi tất cả thuộc khối hưởng lương ngân sách, danh sách nói trên chỉ có hình thức kỷ luật về mặt đảng, trong đó, chỉ 75 người có kết luận kỷ luật, gồm yêu cầu kiểm điểm (29 người), khiển trách (42 người), cảnh cáo (1 người) và khai trừ (3 người).

63 người còn lại vẫn đang tiếp tục kiểm tra, hoặc đã tạm dừng kiểm tra, kiểm tra nhưng xác định không có vi phạm.

Đáng chú ý, thân nhân của nguyên Bí thư Tỉnh ủy – người đứng đầu Đảng ủy cấp tỉnh – cũng có mặt trong danh sách sai phạm.

Bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm vì để em chồng tác động nâng điểm cho con.

Em gái ông Triệu Tài Vinh là bà Triệu Thị Giang, Phó phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư, bị khiển trách vì nhờ người nâng điểm cho cháu ruột.

Tuy nhiên, vì là “nguyên” Bí thư Tỉnh ủy, nên bản kết luận không đề cập tới ông Vinh, với lý do ông Vinh đã chuyển công tác về Ban Kinh tế Trung ương do đó việc kiểm tra, xác minh, kỷ luật thuộc thẩm quyền của Trung ương. Ba tháng trước, ông Triệu Tài Vinh đã thôi chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương theo quyết định bổ nhiệm của Bộ Chính trị ngày 21/6/2019.

nâng điểm ở Hà Giang, gian lận thi cử
Bảng điểm trước và sau khi chấm lại trong vụ gian lận thi cử tại Hà Giang. Nhiều thí sinh được sửa điểm từ dưới trung bình lên gần tối đa. (Nguồn: dẫn qua baodatviet.vn)

Việc tất cả các cá nhân sai phạm thuộc khối hưởng lương ngân sách song chỉ mới có hình thức kỷ luật về mặt đảng, và kỷ luật về mặt đảng trước khi xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật khiến rất nhiều người dân đặt dấu hỏi về tính nghiêm minh của pháp luật.

Theo Luật Giáo dục 2005, người làm hồ sơ giả, vi phạm quy chế tuyển sinh, thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. (Điểm đ, Khoản 1, Điều 118)

Đối với cán bộ vi phạm pháp luật, theo Luật Cán bộ, công chức 2008, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm (Khoản 1, Điều 78); đối với công chức vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc (Khoản 1, Điều 79).

Vì cán bộ, công chức ngoài công việc đảm nhiệm tại cơ quan Nhà nước còn là đảng viên, nên việc xử lý vi phạm còn áp dụng theo Quy định xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm do Bộ Chính trị quy định.

Khoản 6, Điều 2 của bộ quy định trên nêu rõ: Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật.

Đảng viên bị thi hành kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải chỉ đạo hoặc đề nghị các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.

Thời hạn là 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng.

Ngược lại, khi các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết để xem xét, xử lý kỷ luật về đảng.

Việc xem xét, xử lý kỷ luật về đảng chậm nhất là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo đảng viên sai phạm.

Khoản 5, Điều 2 của bộ quy định cũng nêu rõ: Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”; nếu bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ…

Như vậy, việc truy cứu trách nhiệm theo pháp luật đối với cán bộ sai phạm đã được quy định trong nhiều Luật và quy định.

Trình tự áp dụng các quy định xử lý cán bộ vi phạm là theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. (Khoản 4, Điều 78 Luật Cán bộ, công chức 2008)

Theo đó, sau kết luận xử lý về mặt đảng của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, người dân có quyền yêu cầu kết luận của các cơ quan điều tra, kiểm sát cũng như truy cứu trách nhiệm tại cơ quan đối với các cá nhân có hành vi vi phạm đã nêu.

Xuân Tường

Xem thêm: