Theo một nghiên cứu mới được xuất bản bởi Climate Central, một tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, và được công bố trên tạp chí Nature Communications, số người ước tính bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng vào năm 2050 có thể gấp 3 lần so với dự báo trước đây, đe doạ ‘xoá sổ’ nhiều khu vực và thành phố lớn ven biển trên khắp thế giới, trong đó có cả đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), New York Times đưa tin.

DBSCL co nguy co chim
30 năm nữa, ĐBSCL có nguy cơ bị ‘xoá sổ’? (Ảnh dự báo nguy cơ ngập tại ĐBSCL trước đây [trái] và hiện tại [phải])

Các tác giả của nghiên cứu nói trên đã đưa ra một cách tính mới về độ cao đất, được cho là chính xác hơn so với cách tính truyền thống dựa trên chỉ số vệ tinh.

Scott A. Kulp, nhà nghiên cứu tại Climate Central cho biết các phép đo độ cao tiêu chuẩn sử dụng vệ tinh gặp khó khăn khi phân biệt mặt đất thực sự với ngọn cây hoặc tòa nhà. Vì vậy, ông và Benjamin Strauss, giám đốc điều hành Climate Central, đã sử dụng trí thông minh nhân tạo để xác định tỷ lệ lỗi và sửa những lỗi này.

Sau đó, họ đã phát hiện ra rằng những con số dự đoán trước đó quá lạc quan. Nghiên cứu mới cho thấy khoảng 150 triệu người có thể sẽ bị ảnh hưởng khi khu vực đất họ sinh sống sẽ chìm xuống dưới mực nước biển khi thuỷ triều dâng vào năm 2050.

Bản đồ bên trái là những dự đoán trước đó về các vùng đất sẽ bị nhấn chìm vào năm 2050, còn bản đồ bên phải là những ước tính mới được đưa ra, cho thấy hầu hết khu vực miền Nam Việt Nam sẽ chìm dưới nước khi thuỷ triều lên. 

Hiện có hơn 20 triệu người ở Việt Nam, khoảng gần ¼ dân số sinh sống trên các vùng đất sẽ bị ngập lụt.

Một phần lớn của TP HCM, trung tâm kinh tế của Việt Nam, được dự đoán cũng sẽ biến mất, tuy nhiên những dự đoán này chưa tính đến việc gia tăng dân số trong tương lai hoặc đất bị mất do hiện tượng xói mòn vùng duyên hải, nghiên cứu cho biết.

Cảnh báo về tình trạng ĐBSCL có nguy cơ bị nhấn chìm trong tương lai trước đó cũng đã được Đại học Utrecht (Hà Lan) dự báo. Theo đó, hiện tượng sụt lún mặt đất, mất phù sa, nước biển dâng… sẽ khiến gần như toàn bộ ĐBSCL chìm dưới mặt nước biển vào năm 2100.

Các nhà khoa học Hà Lan đã sử dụng 1 phương pháp đo đạc khác với cách đo sử dụng vệ tinh, đó là dựa trên đo đạc số liệu và mô hình nước ngầm 3-D. Cách đo mới cho thấy trên thực tế ĐBSCL hiện nay đang thấp hơn rất nhiều và tốc độ sụt lún mỗi năm cao hơn so với dự đoán trước đó. Tác nhân chính dẫn tới sụt lún tại ĐBSCL được cho là việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức.

Trở lại với nghiên cứu của Climate Central, ngoài khu vực ĐBSCL, nghiên cứu cho thấy nhiều khu vực khác cũng sẽ chịu tình cảnh tương tự.

Tại Thái Lan, hơn 10% dân số hiện đang sống trên những vùng đất có khả năng bị ngập lụt vào năm 2050, so với chỉ 1% khi tính toán theo cách thức trước đó. Bangkok – thủ đô của Thái Lan – cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Tại Thượng Hải, nước có nguy cơ sẽ nhấn chìm nhiều khu vực trung tâm của thành phố, cũng như các thành phố khác xung quanh.

Những tình huống tương tự được cho là cũng sẽ xảy đến với Mumbai (Ấn Độ), Alexandria (Ai Cập), Basra (Iraq).

Tuy nhiên, các phát hiện nêu trên không đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho những nơi này, nghiên cứu nói. Hiện tại đã đang có khoảng 110 triệu người sinh sống ở những nơi nằm dưới mực nước khi thuỷ triều dâng và tại đó đã có các biện pháp bảo vệ như xây tường chắn hay các hàng rào bảo vệ khác. Vấn đề mà ông Strauss muốn đề cập, đó là các thành phố cần đầu tư thêm nhiều hơn nữa cho các biện pháp bảo vệ, và họ cần làm điều đó nhanh hơn.  

Bà Dina Ionesco thuộc Tổ chức Di cư Quốc tế, một nhóm liên chính phủ điều phối hành động đối với người di cư và phát triển, cho biết các  quốc gia nên bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ các phương án di dời công dân trong nội bộ đất nước.

“Chúng tôi đang cố gắng cảnh báo mọi người,” bà Ionesco nói. “Chúng tôi biết nó sắp diễn ra.”

Bảo Minh (Theo NYT)

Xem thêm: