Tại hội thảo “Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam” được tổ chức chiều 31/3 tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, đã đề xuất lấy ngày 24/3 hàng năm là Ngày bánh mì Việt Nam.

le hoi banh my 1
Tại hội thảo “Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam” được tổ chức chiều 31/3 tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, đã đề xuất lấy ngày 24/3 hàng năm là Ngày bánh mì Việt Nam. (Ảnh: vov.vn)

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội bánh mì Việt Nam lần I năm 2023 đang diễn ra tại TP.HCM, thu hút rất đông người dân và du khách khắp nơi cùng tham gia. Lễ hội này do Hiệp hội Du lịch TP.HCM và Sở Du lịch TP.HCM tổ chức.

Theo bà Khánh, thực tế ý tưởng Lễ hội bánh mì cùng với logo của lễ hội đã được ấp ủ và dự kiến tổ chức vào năm 2021, tức kỷ niệm 10 năm từ “bánh mì” được ghi nhận là danh từ riêng trong từ điển Oxford.

Hiệp hội cũng đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với logo Lễ hội bánh mì nhưng do COVID-19 nên lễ hội phải dời lại sang năm nay.

Bà đề xuất Ngày bánh mì Việt Nam sẽ tổ chức vào 24/3 hàng năm, tức đúng ngày từ “bánh mì” được đưa vào từ điển Oxford và Lễ hội bánh mì Việt Nam cũng sẽ diễn ra vào đúng ngày 24/3. Theo bà, điều này mang lại cộng hưởng tốt và sẽ càng lan tỏa, hiệu quả hơn.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói ông cũng ủng hộ đề xuất trên.

Về ý tưởng có thể đề xuất UNESCO công nhận bánh mì là di sản hay không, ông Bình cho rằng trước mắt cần đưa nó trở thành di sản của Việt Nam và được người Việt chấp nhận trước.

Ông Bình cũng kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch, người yêu du lịch sử dụng bánh mì, quảng bá, giới thiệu bánh mì nhiều hơn và sáng tạo hơn nữa, đưa bánh mì thành di sản Việt Nam.

Lễ hội bánh mì Việt Nam lần I năm 2023 đang diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên, quận 1, TP.HCM, kéo dài tới ngày 2/4. Ban tổ chức kỳ vọng lễ hội thu hút 50.000 người.

Theo PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, Phó chủ tịch – Trưởng ban Đào tạo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, bánh mì Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm qua cùng với sự hiện diện của người Pháp với tên gọi ban đầu là Baguette. Món bánh này sau đó nhanh chóng được người Việt đón nhận và thưởng thức theo phong cách ẩm thực riêng tùy theo vùng miền.

Ông Thắng cho biết người nước ngoài đầu tiên được báo chí trong và ngoài nước nhắc đến nhiều nhất vì đã có công lớn trong việc quảng bá bánh mì Việt Nam ra với thế giới chính là Anthony Bourdain (1956 – 2018) – vị đầu bếp lừng danh và cũng là người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng trên CNN. Năm 2009, ông ghé thăm Hội An và tìm đến thử món bánh mì Phượng rồi sau đó thương hiệu bánh mì này nổi tiếng toàn thế giới với từ khóa “bánh mì Phuong – best bánh mì in Vietnam”.

Minh Long