Không may bị rơi xuống kênh sông Sào gần nhà, bé trai (18 tháng tuổi) bị đuối nước và trôi xa khoảng 500m mới được phát hiện và cứu vớt trong tình trạng tím tái, ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp, đồng tử giãn cực đại, mất phản xạ ánh sáng.

bi duoi nuoc ngung tim ngung tho be 18 thang tuoi duoc cuu song 1
Cháu bé được các y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn cấp cứu, hiện đã tử vong. (Ảnh: vov.vn).

Gia đình cho biết bé ở nhà với ông, không may sảy chân rơi xuống kênh sông gần nhà, trôi khoảng 500 m mới được người dân phát hiện và vớt lên, hôm 31/1.

Trên báo VnExpress ngày 2/2, một bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn cho biết khi đưa lên bờ, bé đã ngừng tim, ngừng thở, huyết áp không. Kíp cấp cứu ngoại viện gồm hai bác sĩ, một điều dưỡng tích cực hồi sức tim phổi, cho bé thở máy tại hiện trường. Sau 90 phút cấp cứu, trẻ có dấu hiệu sinh tồn, có mạch, chuyển xuống Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.

Tuy nhiên, sau hai ngày thở máy, tình trạng xấu dần, bé suy đa tạng và tử vong vào sáng 2/2.

Các bác sĩ khuyến cáo các gia đình cần giám sát trẻ, cấm chơi gần bể bơi. Không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, đồng thời đậy kín các vật chứa nước trong nhà. Trẻ cần học bơi và kỹ năng an toàn dưới nước càng sớm càng tốt.

Bác sĩ khuyến cáo, khi sơ cứu người đuối nước tuyệt đối không dốc ngược nạn nhân lên vai sẽ làm tăng nguy cơ hít sặc, tăng tỷ lệ tử vong và di chứng tổn thương não. Lúc này, bệnh nhân cần được hồi sinh tim phổi, thổi ngạt. Người sơ cứu thực hiện hà hơi thổi ngạt bằng cách hít một hơi thật sâu, ngậm miệng nạn nhân thổi một hơi thật mạnh, lặp lại hai lần.

Nếu nạn nhân không tỉnh sau hai lần thổi ngạt, cần hồi sinh tim phổi kết hợp ép tim và thổi ngạt. Cụ thể, đặt nạn nhân nằm ngửa trên bờ, đặt cườm tay lên giữa ngực ép mạnh xuống, tốc độ nhanh 100 đến 120 lần/phút. Cứ sau 30 lần ép tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt hai lần. Có thể sốc điện nếu có nhịp nhanh thất, rung thất và máy phá rung sẵn có. Phải làm liên tục cho đến khi có đơn vị cấp cứu ngoại viện, nhân viên y tế đến hỗ trợ.

Ngoài ra, cần cởi bỏ quần áo ướt, làm ấm cơ thể nạn nhân, kiên trì cấp cứu cho đến khi bệnh nhân thở trở lại, tuần hoàn tái lập. Nếu có phương tiện vận chuyển như xe hơi thì trong lúc đến viện cần đặt trẻ nằm, tiếp tục ấn tim hà hơi thổi ngạt liên tục trên đường di chuyển, không được gián đoạn. Trường hợp nạn nhân đã tự thở, vẫn có nguy cơ suy hô hấp sau đó do nước đã vào phổi, do đó, phải nhập viện kiểm tra.

Thạch Lam