Lần thứ hai trong vòng một tuần qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lên tiếng liên quan đến vụ án cấp bằng giả tại Trường đại học (ĐH) Đông Đô. Tuy nhiên, theo cách luận giải của Bộ, những khe hở để xảy ra vi phạm càng trở nên khó hiểu.

dai hoc dong do
Bảng tên Trường Đại học Đông Đô. (Ảnh: Khoa Sau Đại Học – ĐH Đông Đô – HN/Facebook)

Bộ cấp chỉ tiêu trước, trường tự phân ngành nên Bộ không biết? 

Giải thích về việc trong nhiều năm, Bộ đăng trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2, dù trường này chưa được phép đào tạo văn bằng 2, Bộ GD-ĐT đưa ra mốc năm 2017.

Theo Bộ này, từ năm 2017 trở về trước, việc rà soát và thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của các trường được thực hiện trước khi trường công bố đề án tuyển sinh, và độc lập với việc mở ngành, mở chương trình đào tạo mới.

Vụ Kế hoạch – Tài chính đảm nhận rà soát, kiểm tra năng lực đào tạo và thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của các trường (gồm tổng chỉ tiêu đào tạo và chỉ tiêu năng lực theo khối ngành và hình thức đào tạo), căn cứ theo năng lực đào tạo với 2 tiêu chí (đội ngũ cán bộ, diện tích); việc rà soát và thông báo trên không chi tiết đến từng ngành.

Dẫn thông tin minh chứng, Bộ này cho biết thực tế nhiều trường sau khi được thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới quyết định mở tuyển sinh một chương trình mới hoặc đăng ký đào tạo văn bằng 2 cho một ngành cụ thể.

Từ năm 2017 tính tới nay, Vụ Giáo dục đại học của Bộ “giúp” các trường đăng tải đề án lên Cổng thông tin tuyển sinh chung để thí sinh toàn quốc truy cập; quy chế là các trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung của đề án.

Đối với trường hợp Trường ĐH Đông Đô, Bộ này cho rằng Trường ĐH Đông Đô từ năm 2015 đến 2019 đều đăng ký chỉ tiêu văn bằng 2 trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng không thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh theo quy định.

Từ năm 2019 trở về trước, mẫu đề án của Bộ chỉ quy định cho tuyển sinh đại học chính quy đối với học sinh tốt nghiệp THPT và tương đương, nhưng Trường ĐH Đông Đô đã tự đưa chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 vào phụ lục của đề án – Bộ GD-ĐT cho hay.

Với cách giải thích trên, Bộ rằng các cơ quan thuộc Bộ không sai, khi thứ nhất, Vụ chỉ đưa ra con số chỉ tiêu tổng, không liên quan tới chỉ tiêu đào tạo ngành cụ thể (ở đây là văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đông Đô), thứ hai, với đề án tuyển sinh của trường được đăng trên Cổng thông tin của Bộ, nội dung trường tự chịu trách nhiệm, nên Bộ không biết tới việc trường Đông Đô đã tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh trong nhiều năm ngay cả khi trường này chưa được phép đào tạo (!)

Điều này gây nên băn khoăn, rằng Bộ để trường “tự chủ”, chỉ cấp số tổng chỉ tiêu hàng năm, thì căn cứ nào để Bộ xác định chỉ tiêu cho năm tiếp theo? Trong khi trách nhiệm của Bộ là cần kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo để cân đối mức chỉ tiêu cho phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường qua từng năm.

55 người đã sử dụng bằng giả do Đại học Đông Đô cấp để làm tiến sỹ

Theo kết luận điều tra của Cơ quan ANĐT – Bộ Công an, trong quá trình hoạt động, Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, trong 4 năm, từ năm 2015-2018, Bộ này đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy:

Năm 2015, trường ĐH Đông đô không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy, nhưng Bộ thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Đông Đô, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Năm 2016, Cổng thông tin của Bộ thông báo trường ĐH Đông Đô tuyển sinh, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Năm 2017, Cổng thông tin của Bộ thông báo trường này tuyển sinh, trong đó có 150 chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Năm 2018, Cổng thông tin của Bộ thông báo trường này tuyển sinh, trong đó có 400 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Cơ quan ANĐT xác định các cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch-Tài chính và Vụ Giáo dục đại học thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của trường ĐH Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 trong khi trường này chưa được cho phép đào tạo, là vi phạm quyết định của Bộ trưởng về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai. Những vi phạm này cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý. Do đã hết thời hạn điều tra vụ án, Cơ quan ANĐT đã tách nội dung này ra để xem xét, xử lý sau.

Sẽ thu hồi, hủy bỏ bằng giả

Đối với những trường hợp đã được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, Bộ GD-ĐT cho biết đã yêu cầu Trường ĐH Đông Đô thu hồi, hủy bỏ các văn bằng được cấp sai.

Danh sách những người đã sử dụng văn bằng 2 ngoại ngữ của Trường ĐH Đông Đô sẽ do các các cơ sở đào tạo báo cáo lên Bộ.

Đối với trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện đầu vào, hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cơ sở đào tạo sẽ căn cứ tính chất và mức độ để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định, như dừng học hoặc thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.

Về hành vi sử dụng văn bằng không hợp pháp, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm để chọn hình thức xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ sẽ rà soát và phân loại những trường hợp người học biết hoặc không biết rõ về việc đào tạo và cấp bằng sai quy định của Trường ĐH Đông Đô, để có biện pháp xử lý.

Việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng không hợp pháp, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền dù quyết định công khai hay không công khai danh tính các cá nhân vi phạm, thì làm cách nào để công chúng giám sát được quá trình xử lý vi phạm vẫn là điều cần được giải đáp.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Trường ĐH Đông Đô: Chủ tịch HĐQT bỏ trốn có tài khoản hơn 76.000 USD