Sự tương phản giữa mức độ xử phạt của 2 chế tài đã cho thấy khoảng trống trong tư duy chính thường của các nhà làm luật hiện nay. Hơn nữa, sự mù mờ trong các quy định về luật pháp sẽ dễ dẫn tới sự cảm tính và tuỳ tiện trong việc thực thi luật của những người nắm trong tay quyền thừa hành luật pháp, vốn là điều tối kỵ khi hướng tới một nền pháp lý vững mạnh và minh bạch. 

beach volleyball 54199 1421
Bóng chuyền bãi biển (Ảnh minh hoạ: freepix)

Mới đây, ngày 31/7, cơ quan chức năng huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt hành chính 200 nghìn đồng với Nguyễn Quang Dương (59 tuổi, trú phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) do có hành vi sờ ngực phụ nữ trên xe buýt tới 3 lần. 

Mức xử phạt được cơ quan chức năng chiểu theo Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/NĐ-CP do “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

Trước đó vào tháng 3, một vụ với mức xử phạt tương tự đã xảy ra tại thang máy chung cư Golden Palm (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) gây xôn xao và bất bình trong dư luận. Cụ thể, Đỗ Mạnh Hùng (SN 1982, quê Hải Phòng) đã có hành vi sàm sỡ cô gái trong thang máy, nhưng cũng chỉ bị phạt 200 nghìn đồng.

Chế tài xử lý hành vi trên đã khiến nhiều người bất bình vì cho rằng, đây chính là hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. 

Do đó, mức phạt 200 nghìn đồng là quá nhẹ, hoàn toàn không có tính răn đe, giáo dục; và chẳng khác nào làm nhục nạn nhân thêm một lần nữa.

Điều đáng nói là những hành vi quấy rối tình dục này trong xã hội đang có xu hướng diễn ra ngang nhiên, công khai, thể hiện sự coi thường pháp luật của đối tượng vi phạm. 

Thế nhưng, đó cũng là hệ quả của một bộ máy pháp luật còn nhiều khe hở. Pháp luật hiện hành quy định chế tài xử phạt với hành vi này chưa rõ ràng.

Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi không còn tội Dâm ô đối với người trên 16 tuổi. Việc xử lý hình sự các hành vi dâm ô, xâm hại tình dục chỉ áp dụng trong vụ án mà bị hại dưới 16 tuổi. 

Đây chính là lỗ hổng pháp lý trong trường hợp bị hại trên 16 tuổi mà bị sàm sỡ, quấy rối tình dục thì kẻ gây ra vụ việc chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 100 đến 300 nghìn đồng.

Sự lỏng lẻo của luật liên quan đến các hành vi dâm ô, quấy rối tình dục còn trở nên rõ nét hơn qua sự tương phản với mức xử phạt được đưa ra cho việc tập thể thao “có tính chất khiêu dâm.”

Cụ thể, Nghị định 46/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8/2019 quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt… đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao. 

Đáng chú ý, Điều 7 quy định “phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam”.

Chế tài nói trên đưa ra mức xử phạt rất cao lên tới 10 triệu đồng cho những hành vi không được định rõ, bởi không hề đưa ra tiêu chí thế nào là tập luyện thể thao “mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc”.

Trong buổi họp báo sau đó, vị Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Phạm Xuân Phúc không giải thích từ ngữ để làm rõ thêm, mà chỉ nêu lên một số tên môn thể thao, phương pháp tập luyện mà ông cho rằng vi phạm quy định trên, bao gồm võ tự do, Suối nguồn tươi trẻ, Pháp Luân Công, một số động tác của khiêu vũ thể thao, và Yoga khoả thân. 

IMG 4728
Một trong năm động tác của môn tập Suối nguồn tươi trẻ – được Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch liệt vào danh sách những môn “có tính chất khiêu dâm, không phù hợp thuần phong mỹ tục” (Ảnh minh hoạ: himalayayoga)

Ở đây xuất hiện hai vấn đề đáng được bàn thảo và suy ngẫm:

Thứ nhất, nếu đặt hai chế tài xử phạt cạnh nhau, giữa Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/NĐ-CP (phạt từ 100 đến 300 nghìn) cho hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; với Điều 7, Nghị định 46/2019/NĐ-CP (phạt từ 5 đến 10 triệu) cho việc tập luyện một môn thể thao “có tính khiêu dâm”, sẽ thấy một khoảng trống lớn trong tư duy chính thường của các nhà làm luật hiện nay.

Thứ hai, sự mù mờ trong các quy định về luật pháp sẽ dễ dẫn tới sự cảm tính và tuỳ tiện trong việc thực thi luật của những người nắm trong tay quyền thừa hành luật pháp, vốn là điều tối kỵ khi hướng tới một nền pháp lý vững mạnh và minh bạch. 

Việc ông Phạm Xuân Phúc không đưa ra được định nghĩa cụ thể cho quy định thế nào là tập luyện thể thao “mang tính khiêu dâm, đồi trụy, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc”, mà chỉ nêu lên một vài cái tên của một số môn, mà trong đó có nhiều môn tập chưa hề xuất hiện trong bất cứ văn bản chính thống nào dưới danh nghĩa “bị cấm”, “chưa được phép hoạt động,” cũng như bị mô tả là “có hành vi khiêu dâm,” là một sự áp đặt vội vàng và tuỳ tiện. 

Điều lo ngại là những người thực thi luật pháp phía dưới, sẽ có thể dựa vào đó để cũng tuỳ tiện hành động theo, dễ gây ra việc áp dụng luật sai cũng như tạo nên sự phản cảm không đáng có từ quần chúng.

Những bất cập trong quy định của 2 chế tài trên cần phải được xem xét, điều chỉnh để đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp, để luật pháp có sự đồng bộ, tương ứng với những quy chuẩn của hành vi con người và môi trường xã hội.

Nếu không, nó chỉ tạo thêm cho xã hội ngày càng nhiều những kẻ coi thường pháp luật, trong khi người dân sẽ ngày một mất niềm tin vào sự công bằng và nghiêm minh của nền tư pháp nước nhà.

Lê Xuân

Xem thêm: