Trong câu hỏi về niềm tin với Chính phủ, kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW cho biết tại Việt Nam có 31% người dân hoàn toàn tín nhiệm vào điều hành của Chính phủ, 51% chỉ tín nhiệm “phần nào” và 17% không tín nhiệm.

lp1 YPVS
(Ảnh minh họa/Sưu tầm)

Cuối tháng 10, Trung tâm nghiên cứu PEW có trụ sở tại Washington D.C đã công bố Báo cáo Ý kiến toàn cầu mùa xuân 2017, được thực hiện từ tháng Hai đến tháng Năm năm 2017 với khoảng 42.000 đáp viên đến từ 38 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo đã đề cập đến thái độ của người dân các nước đối với các thể chế chính trị khác nhau, bao gồm dân chủ và phi dân chủ, cũng như đánh giá của họ đối với tình hình dân chủ của quốc gia, và niềm tin với chính phủ.

Các thể chế chính trị dân chủ bao gồm Dân chủ Đại diện (người dân bầu ra người đại diện để bỏ phiếu cho những vấn đề lớn của quốc gia) và Dân chủ Trực tiếp (người dân trực tiếp bỏ phiếu cho những vấn đề lớn).

Các thể chế chính trị phi dân chủ được đề cập đến trong báo cáo gồm Kỹ trị (các chuyên gia là lãnh đạo), Chuyên quyền (bởi một nhà lãnh đạo cứng rắn) và Quân đội trị (chính quyền quân sự).

Báo cáo cho thấy tại Việt Nam, đa số người dân cho rằng thể chế dân chủ là tốt, với 87% ủng hộ Dân chủ Đại diện và 73% ủng hộ Dân chủ trực tiếp. Con số này cũng cùng với xu hướng của các quốc gia trên thế giới với trung bình 70% ủng hộ hai thể chế dân chủ nói trên.

screencapture pewresearch org fact tank 2017 10 30 global views political systems 1509709146116
Tỷ lệ không ủng hộ (màu vàng, trái) và ủng hộ (màu xanh, phải) đối với các thể chế chính trị, theo kết quả khảo sát tại Việt Nam. Thứ tự các thể chế từ trên xuống dưới: Dân chủ Đại diện, Dân chủ Trực tiếp, Kỹ trị, Độc tài một người, Quân đội trị (Nguồn: Báo cáo của Pew).

Tuy vậy, Việt Nam cùng với Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia duy nhất trong báo cáo không có số liệu về đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với tình hình dân chủ của quốc gia mình.

Và mặc dù đa số người dân Việt Nam thích khái niệm về dân chủ, họ cũng bày tỏ sự đồng tình với các hình thức phi dân chủ khác cùng tồn tại. Việt Nam là nước ủng hộ nhiều nhất đối với hình thức Quân đội trị trong số 38 nước điều tra với tỷ lệ ủng hộ lên tới 70%, trong khi tỷ lệ này rất thấp ở một loạt các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Ý (cùng 17%), Nhật Bản và Anh (15%), Úc (12%), Canada (10%), Hàn Quốc và Hà Lan (8%), và Đức chỉ có 4%.

Phần lớn các nước trên thế giới cũng không ủng hộ hình thức Chuyên quyền (cai trị bởi một lãnh đạo cứng rắn) với trung bình 71% phản đối. Tuy vậy tại một số quốc gia như Philippines, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các nhà lãnh đạo có xu hướng chuyên quyền, thì lại có rất nhiều người cho rằng một nhà lãnh đạo mạnh mẽ có thể đưa ra quyết định mà không bị can thiệp từ quốc hội hay tòa án là một hình thức chính phủ tốt. Ở Việt Nam, mức độ tín nhiệm 42%, mức độ không tín nhiệm là 47% đối với hình thức này.

Có nhiều yếu tố tác động đến việc dân chúng ủng hộ hình thức dân chủ so với giải pháp phi dân chủ. Người dân tại những quốc gia giàu có hơn và tại những nơi mà hệ thống dân chủ đầy đủ hơn thường có khuynh hướng nghiêng về dân chủ đại diện. Trong khi đó tại các quốc gia kém phát triển hơn, người dân ít được giáo dục hơn; hay những người theo ý thức hệ cực hữu và những người không hài lòng với cách nền dân chủ vận hành tại đất nước họ thì lại có xu thế những giải pháp phi dân chủ hơn.

anh1429675246947
Trong một buổi lấy ý kiến nhân dân tại Hà Tĩnh năm 2015 (Ảnh: hatinh.gov.vn)

Về niềm tin với Chính phủ, tại những quốc gia người dân hài lòng với nền kinh tế của đất nước họ thường bày tỏ niềm tin cao hơn đối với chính phủ. Những người hài lòng với thể chế dân chủ ở đất nước họ cũng có xu hướng tin tưởng chính phủ đang điều hành tốt. Báo cáo cho thấy lòng tin với chính phủ ở các quốc gia thường khá giống với thái độ về hệ thống chính trị của quốc gia đó.

Theo kết quả khảo sát này của Pew, Việt Nam có 31% người dân hoàn toàn tín nhiệm vào điều hành của Chính phủ, 51% chỉ tín nhiệm “phần nào” và 17% không tín nhiệm.

So với nhiều quốc gia khác thì con số tín nhiệm này vẫn khá cao khi mức độ “rất tín nhiệm” trung bình của 38 nước chỉ có 14%. Tuy nhiên, cần lưu ý bởi vì mẫu chọn quá nhỏ, chỉ 40.000 người khắp 38 quốc gia, tức khoảng trên 1.000 người được phỏng vấn tại mỗi nước.

Tháng 5/2017, Fitch Ratings nâng mức tín nhiệm tại Việt Nam lên “tích cực” nhờ triển vọng tăng trưởng GDP cao, liên tục thặng dư tài khoản vãng lai, và dòng vốn FDI liên tục tăng đều.

Mặc dù vậy, Việt Nam còn cần nỗ lực để cải thiện lòng tin của người dân khi tỷ lệ nợ công cao, rủi ro trong hệ thống ngân hàng lớn, việc xử lý tham nhũng còn mang tính hình thức, nhiều quan chức hủ hóa, sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp nội địa vẫn còn yếu, tổ chức bộ máy hành chính và thực thi pháp luật chưa hiệu quả v.v…

Tuệ Minh

Xem thêm: