Một ngày sau khi công bố sẽ tiếp tục sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tạm hoãn trước biến chứng đông máu cục, Bộ Y tế Việt Nam thông báo đưa nhiều nhóm vào diện hoãn hoặc cẩn trọng khi tiêm loại vắc-xin trên.

vac xin atraszeneca 1
Một nữ nhân viên y tế tại Khu cách ly, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2, đang nhận tiêm vắc-xin AstraZeneca theo chỉ định, hôm 11/3. (Ảnh: haiphong.gov.vn)

Sáng 18/3, Bộ Y tế Việt Nam đưa ra hướng dẫn tạm thời với việc khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca.

Việc đưa ra hướng dẫn tạm thời dù đã có hướng dẫn sàng lọc tiêm chủng chung, được Bộ Y tế lý giải rằng do đây là vắc-xin mới và trong 10 ngày đầu tiên tiêm (từ ngày 8-17/3), với số lượng người được tiêm hạn chế, đã có 16 trường hợp có phản ứng phản vệ độ 2 và độ 3 sau tiêm.

Theo đó, có 9 nhóm sẽ tạm hoãn tiêm chủng vắc-xin COVID-19, gồm:

– Người đang mắc bệnh cấp tính

– Phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ

– Người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù.

– Người trong 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị

– Người trong 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19.

– Người đã tiêm vắc-xin khác trong 14 ngày trước

– Người đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng

– Người trên 65 tuổi

– Người bị bệnh giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu

4 nhóm bệnh lý phải cẩn trọng khi tiêm chủng vắc-xin COVID-19:

– Người có tiền sử dị ứng

– Người có bệnh nền nặng, bệnh mãn tính chưa được điều trị ổn định

– Người mất tri giác, mất năng lực hành vi

– Người mắc bệnh mãn tính có phát hiện dấu hiệu bất thường dấu hiệu sống:

Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút.

Huyết áp:

+ huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg

+ huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg

Nhịp thở: > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có)

Chống chỉ định (không tiêm) đối những người đã có phản ứng phản vệ từ độ 2 trở lên trong lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc-xin.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến cuối chiều 16/3, 20.695 người đã tiêm vắc-xin COVID-19, gồm các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Trong 20.695 người đã tiêm, có 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường (chiếm 19,7%) và 6 người phản ứng nặng. Trong 6 người sốc phản vệ nặng, có 5 người phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3.

“Trên báo cáo, có 16 trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin, tuy nhiên Hội đồng Tiêm chủng đã đánh giá lại và xác định chỉ có 5 trường hợp phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Trường hợp độ 3 này là do công tác cấp cứu không thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế. Chúng tôi đã cử các chuyên gia tới chấn chỉnh cơ sở tiêm này để thực hiện tốt trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long đưa ra lý giải tại cuộc họp.

Trước thông tin trên thế giới nhiều người bị đông máu sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca, ông Long cho hay hiện Việt Nam vẫn chưa xảy ra trường hợp bị đông máu sau tiêm, và tới đây, vẫn tiếp tục tiêm loại vắc-xin này.

4 mức độ phản ứng phản vệ, theo Phụ lục II, ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế

1. Nhẹ (độ 1): Có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.

2. Nặng (độ 2): có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:

a) Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.

b) Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.

c) Đau bụng, nôn, ỉa chảy.

d) Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

3. Nguy kịch (độ 3): biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau:

a) Đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản.

b) Thở: thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở.

c) Rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn.

d) Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.

4. Ngừng tuần hoàn (độ 4): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

Vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu hôm 1/2. Hiện lô vắc-xin 117.600 liều nhập về ngày 24/2 đang tiêm trước cho nhóm nhân viên y tế, người truy vết…, dự kiến sau đó sẽ sử dụng trong các đợt tiêm chủng đại trà.

Sau nhiều trường hợp tử vong, đông máu cục, xuất huyết, tính đến ngày 16/3, đã có 13 nước, gồm Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Slovenia, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Na Uy, Iceland, Congo, Bulgaria, dừng tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca.

Tại châu Á, Thái Lan sau khi trì hoãn triển khai vắc-xin AstraZeneca vì lo ngại các biến chứng, đã thông báo tiếp tục triển khai. Anh và Canada vẫn ủng hộ vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca.

Ngoài vắc-xin AstraZeneca (dự kiến sẽ nhập 60 triệu liều trong năm 2021), sáng 17/3, ông Long cho biết sẽ “đa dạng hóa nguồn vắc-xin”. Trong đó, ngoài 30 triệu liều đang đặt mua của hãng Pfizer (Mỹ) trong năm 2021, Việt Nam đang làm việc để mua vắc-xin của Johnson & Johnson, Modema, Quỹ đầu tư Nga (Sputnik-V)…

Với vắc-xin tự sản xuất trong nước, ông Long cho hay đang tiếp tục thúc đẩy việc nghiên cứu, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Phụ nữ Texas dương tính với virus sau khi tiêm liều vắc-xin thứ hai