Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) vừa trải qua một ngày biến động khi lượng người đến rút tiền gửi ồ ạt tại hàng loạt chi nhánh. Tâm lý lo lắng càng dấy lên khi từ sáng tới chiều 8/10, liên tiếp các thông tin trấn an từ Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… tới tin khởi tố từ phía Bộ Công an. 

nguoi dan lo lang rut tien o at scb tuyen bo khong co moi lien he voi ba truong my lan 2
Ngân hàng SCB (chi nhánh tại quận Gò Vấp, TP.HCM) đóng cửa để giải quyết thủ tục rút tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng, chiều 8/10. (Ảnh: Người dân ghi lại/Trí Thức VN)

Từ sáng 8/10, hình ảnh các chi nhánh ngân hàng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) có đông đảo người đến rút tiền được người dân lan truyền rộng trên mạng xã hội, trước khi có tin khởi tố từ Bộ Công an.

Chị P.T.H (Hà Nội) cho biết vào lúc 7h sáng, cửa chi nhánh ngân hàng SCB trên đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chưa mở, hàng chục người đã đứng ngồi tràn từ vỉa hè xuống lòng đường, đợi vào rút tiền tiết kiệm. Người đợi rút tiền có đủ tầm tuổi, từ người trẻ tới trung niên, người già.

Không còn là người ngoài cuộc, cô M.H (TP.HCM) thấp thỏm với số tiền vài trăm triệu gửi tiết kiệm tại SCB. Thu xếp việc xong, tầm 9h, cô H. ra chi nhánh SCB trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp (TP.HCM) để rút toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm.

Nhận số thứ tự, tới lượt vào quầy tiếp, cô H. được nhân viên tư vấn hỏi cô nghe tin gì mà tới rút tiền, rút tiền mặt hay chuyển khoản, khuyên cô tạm đừng rút… “Lúc cô ngồi ghế, quá trời người đợi mà mỗi người lên quầy ngồi nửa tiếng chưa xong. Rồi lúc mình lên mới biết thì ra là họ tư vấn. Người nào cương quyết thì mới cho rút, còn người nào xuôi xuôi thì thôi”, cô H. nói.

nguoi dan lo lang rut tien o at scb tuyen bo khong co moi lien he voi ba truong my lan 1
12h ngân hàng SCB (chi nhánh tại quận Gò Vấp, TP.HCM) kéo cửa cuốn, tiếp nhận giải quyết thủ tục cho hàng chục người tới lấy số thứ tự vào buổi sáng. (Ảnh: Người dân ghi lại/Trí Thức VN)

12h hơn, nhân viên bảo vệ kéo cửa cuốn, không nhận thêm người. Bên trong, nhân viên làm thêm giờ để giải quyết cho hàng dài người chờ đợi. “Có người cầm cả sấp, cả sấp à, họ rút mấy tỷ” – cô H. kể.

Sau khi rời quầy tư vấn, cô H. nhận tiếp số thứ tự để vào quầy làm thủ tục chuyển khoản. Nhân viên ngân hàng cho hay tiền mặt đã cạn, nếu muốn lấy tiền mặt thì phải đợi sang thứ 2, còn chuyển khoản thì làm lệnh chuyển ngay, nhưng cũng phải sang thứ 2 là ngày làm việc tiền mới chuyển tới nơi.

Cô nói muốn chuyển khoản. Nhưng tới cuối buổi, tầm 15h hơn, 16h, khi chỉ còn một vài người, một nhân viên nam ra hỏi nhỏ, nói cô rút bao nhiêu, tiền vừa về một chút nên hỏi để cân đối. Sau khi trao đổi, cô H. được rút một nửa tiền mặt, một nửa chuyển khoản.

nguoi dan lo lang rut tien o at scb tuyen bo khong co moi lien he voi ba truong my lan
Người dân chen chúc ghi danh sách thứ tự để tuần sau xếp hàng tiếp, tại chi nhánh ngân hàng SCB quận Thanh Xuân (Hà Nội), sáng 8/10. (Ảnh: Phan Thúy Hà/Facebook)

Trong ngày 7/10, các từ khóa “SCB” với hơn 1 triệu lượt tìm kiếm, “SCB phá sản” hơn 200.000 lượt, “Chứng khoán Tân Việt” hơn 20.000 lượt đứng đầu top đầu nhóm từ khóa được tìm kiếm trong ngày trên Google bởi người dùng Việt Nam.

Trong ngày, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) công bố thông tin bất thường về việc Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Thành đột ngột qua đời vào đêm 6/10; Tân Việt bổ nhiệm thành viên HĐQT Nguyễn Việt Cường đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, thay thế ông Thành kể từ ngày 7/10.

Trong khi đó, TVSI và SCB có nhiều mối quan hệ hợp tác. Đầu tháng 3 vừa qua, SCB đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Tân Việt (TVFM) cam kết ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau (SCB xem TVFM là đối tác ưu tiên trong các giao dịch huy động vốn, thu xếp tài chính trong và ngoài nước, giao dịch đầu tư, hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư và quản lý tài sản cho SCB và khách hàng của SCB).

TVSI đang bảo lãnh phát hành và tư vấn trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có SCB.

Cuộc trấn an trên diện rộng trước và sau tin bắt giữ loạt doanh nhân

Vào sáng 8/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục có động thái trấn an người gửi tiết kiệm. Trước khi cuộc họp báo diễn ra tại TP.HCM, trong sáng 8/10, NHNN đăng thông cáo báo chí khuyên người dân “không nên rút tiền trước hạn” tại SCB.

Trong cùng buổi sáng, cơ quan này tiếp tục đưa ra các tuyên bố “đảm bảo an toàn” đối với người gửi tiền tại SCB qua cuộc phỏng vấn báo chí của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – ông Đào Minh Tú.

Ông Tú thừa nhận những thông tin không tích cực về ngân hàng SCB đã xuất hiện trên mạng xã hội trong mấy ngày qua. Ông Tú khẳng định NHNN “sẽ có những biện pháp nhằm tiếp tục đảm bảo hoạt động liên tục và ổn định cho SCB” “sẽ có những giải pháp, chính sách theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại SCB”.

ngan hang scb van thinh phat tu khoa tim kiem
Từ khóa SCB, Chứng khoán Tân Việt dẫn đầu số lượt tìm kiếm của Việt Nam trên Goolge trong ngày 7/10 (hình ảnh ghi lại vào cuối ngày 8/10). (Ảnh chụp màn hình/trends.google.com.vn)

Đại diện NHNN một mặt khuyến cáo người dân có tiền gửi tại SCB thận trọng khi quyết định rút tiền gửi, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn do sẽ mất lãi, mặt khác, công bố sẽ xử lý trường hợp các ngân hàng thương mại (NHTM) lôi kéo khách hàng của SCB, do gây bất ổn cho SCB và mất an toàn chung cho hệ thống NHTM.

Cùng trong sáng 8/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dẫn thông tin về vụ bắt giữ, khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được vận hành và hoạt động bình thường, khuyến cáo các nhà đầu tư bình tĩnh.

Tới trưa 8/10, Cổng thông tin Bộ Công an phát tin vào ngày 7/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra  Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ Phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (sau đây gọi tắt là Công ty An Đông) và các tổ chức, đơn vị liên quan – chính thức xác nhận về biến động nhân sự lớn trong giới tài chính khi hàng loạt doanh nhân có tiếng bị bắt giữ.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng tội danh, 3 người khác bị khởi tố, bắt giữ là bà Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor (bà Vân là cháu gái của bà Lan và là vợ của nhạc sĩ Thanh Bùi); bà Nguyễn Phương Hồng, Trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; ông Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo thông tin từ báo Thanh Niên, cuộc bắt giữ bà Lan diễn ra muộn nhất là trước 2h sáng ngày 7/10.

15h chiều 8/10, Ngân hàng Nhà nước chủ trì cuộc họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của SCB tại Trung tâm báo chí TP.HCM. Đại diện SCB – ông Hoàng Minh Hoàn – Phó tổng giám đốc điều hành SCB khẳng định: “Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, việc này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB”.

“SCB cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật”, đại diện ngân hàng công bố, theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ.

Ông Hoàn cho hay trong những ngày gần đây khách hàng đến rất đông, rút số tiền lớn không báo trước và ngân hàng đã có phương án tăng cường nhân sự để đáp ứng nhu cầu của khách. SCB đã lên phương án tăng cường lượng tồn quỹ tại các chi nhánh, tăng lượng tiền gửi tại NHNN để đảm bảo nhu cầu thanh toán liên ngân hàng.

Nguyễn Minh