Bắn pháo hoa được xem là một trong những hoạt động thường diễn ra mỗi dịp Tết về. Tuy nhiên, việc người dân thực hiện điều trên một cách tự ý có phải là hành vi phạm pháp hay không? Hãy cùng Trí Thức VN tìm hiểu quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này nhé.

bắn pháo hoa
(Ảnh minh họa: NDAB Creativity/Shutterstock)

Pháo nổ, pháo hoa là gì theo quy định pháp luật?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo thì:

“1. Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.

a) Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;

Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;

b) Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”.

Theo đó, pháo nổ là loại gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo hoa thì chỉ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Ai được phép sử dụng pháo nổ, pháo hoa?

Căn cứ Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về sử dụng pháo hoa thì:

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa”.

Theo đó, để sử dụng pháo hoa phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và sử dụng pháo hoa trong các dịp Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi…Ngoài ra, chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Bên cạnh đó, đối với việc sử dụng pháo hoa nổ, tại Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có quy định các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ như sau:

“1. Tết Nguyên đán

a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

b) Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.

2. Giỗ Tổ Hùng Vương

a) Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 09 tháng 3 âm lịch.

3. Ngày Quốc khánh

a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 02 tháng 9.

4. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ

a) Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 07 tháng 5.

5. Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch)

a) Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30 tháng 4.

6. Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

7. Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.

8. Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

Có thể thấy, hành vi của người tự ý sử dụng pháo hoa nổ không thuộc trường hợp được phép sử dụng do pháp luật quy định.

Xử phạt đối với hành vi sử dụng pháo hoa nổ trái phép như thế nào?

Căn cứ theo điểm i, khoản 3, điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì:

“3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

… i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này;

…”

Trong trường hợp người dân tự ý sử dụng pháo hoa nổ với số lượng lớn và đủ căn cứ cấu thành tội phạm thì có thể chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ như sau:

“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;

….

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”

Ngoài ra, nếu việc pháo nổ to và rất ồn ào có thể sẽ bị xử lý theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội gây rối trật tự công cộng:

“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm”.

Theo đó, hành vi sử dụng pháo hoa nổ trái phép hoàn toàn có thể sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền lên đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, hành vi đó có thể phạm vào tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ và có thể bị phạt tù lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Mặt khác, hành vi đốt pháo hoa nổ trái phép gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 50.000.000 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm theo pháp luật hình sự.

Vậy nên, người dân tự bắn pháo hoa nổ tại nhà là hành vi phạm pháp và hoàn toàn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Phan Anh

Video: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đạt đến sự tôn nghiêm