Làm việc ở đặc khu Campuchia cho người Trung Quốc, nhiều người Việt Nam được “đào tạo” để sử dụng các sàn thương mại điện tử giả mạo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều nạn nhân.

nhom 23 nguoi viet o campuchia dung website gia mao san thuong mai dien tu de lua dao
Cảnh sát Campuchia phối hợp bắt giữ và bàn giao nhóm lừa đảo cho Cảnh sát Việt Nam. (Ảnh: congan.danang.gov.vn)

Ngày 8/3, Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết đã khởi tố 23 người để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nhóm 23 người này là người Việt Nam làm việc cho người Trung Quốc.

Qua điều tra, công an xác định từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2023, 2 người tên thường gọi là “Lùn” và “Trắng” (chưa rõ lai lịch; người Trung Quốc) câu kết với 1 số người Việt Nam thành lập công ty trá hình đặt trụ sở tại khu Venus, tỉnh Svayrieng, Campuchia (từ tháng 10/2022, chuyển trụ sở đến khu King Crow, tỉnh Svayrieng, Campuchia) sử dụng mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công dân Việt Nam.

“Lùn”, “Trắng” đã tuyển được gần 100 nhân viên đưa sang Campuchia làm việc bằng hình thức thông qua các trang mạng xã hội. Hai người này đăng bài viết đưa ra mức lương cao, đãi ngộ hấp dẫn để tuyển nhân viên hoặc khuyến khích các nhân viên đang làm việc lôi kéo thêm bạn bè, người thân sang Campuchia làm việc.

Sau khi tuyển được nhân viên đưa sang Campuchia, “Lùn”, “Trắng” thỏa thuận trả công cho nhân viên 800USD/1 tháng (khoảng 19 triệu đồng), ngoài ra, nhân viên còn được hưởng hoa hồng trên tổng số tiền lừa đảo được của các nạn nhân.

Đồng thời, những người này bố trí cho nhân viên ăn ở, làm việc cùng nhau trong một tòa nhà, đào tạo nhân viên cách thức lừa đảo bằng cách cho nhân viên đọc các tài liệu, kịch bản, lời thoại lừa đảo và làm việc cùng nhân viên đã làm việc trước để “học việc”. Sau đó, “Lùn”, “Trắng” quản lý, chia nhân viên theo các tổ, nhóm.

Công an xác định thủ đọan lừa đảo của nhóm này là đăng bài tuyển cộng tác viên làm việc online trên các sàn thương mại điện tử giả mạo Shopee, Lazada, Tiki… và còn quảng cáo người tham gia được hưởng hoa hồng từ 12 đến 15% giá trị mỗi đơn hàng.

Nếu có người liên hệ, nhóm này sẽ gửi link web giả mạo Shopee mall để lập tài khoản, chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để mua đơn hàng có sẵn.

Đồng thời, chúng còn lôi kéo người chơi tham gia theo dõi tiktok, nghe nhạc mp3 để được trả công từ 10.000 đến 50.000 đồng/lần, hoặc là lập tài khoản trên trang web Corona, Goruurl.com, SX38.com, ua8wglfq.com.

Những trang trên có giao diện như trang web đánh bạc trực tuyến, máy chủ đặt tại Campuchia. Nhóm lừa đảo hứa trả hoa hồng từ 30 đến 65% trên tổng số tiền mỗi lần đặt, khi người chơi đặt cược lệnh tài xỉu, chẵn lẻ.

Với 3 cách mời gọi như trên, khi bị hại chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng cung cấp sẵn, nhóm này sẽ gửi qua telegram một hợp đồng bảo hiểm cam kết bảo đảm an toàn 100% vốn cho khách hàng.

Ban đầu, khi số tiền nhỏ chúng sẽ cho “con mồi” rút tiền về tài khoản ngân hàng để dụ dỗ. Đến khi số tiền lớn hơn, chúng viện nhiều lý do như sai số tài khoản ngân hàng, đặt cược sai lệch… để không cho rút tiền. Lúc này, các bị can mời gọi khách hàng nên chuyển thêm tiền để được rút tất. Khi thấy bị hại không còn khả năng chuyển tiền, nhóm lừa đảo liền chặn liên lạc, xoá tài khoản để chiếm đoạt tiền.

Theo C02, để nhận tiền chuyển khoản của bị hại, nhóm này đã dùng 18 tài khoản mở tại các ngân hàng như Bản Việt, Eximbank, MBbank, Vietcombank,…

Vào đầu tháng 1, sau khi củng cố chứng cứ, C02 và Cục An ninh mạng phối hợp với chính quyền Campuchia bắt nhóm người này, di lý về Việt Nam để xử lý.

Cơ quan điều tra đã thu giữ 25 điện thoại di động và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng.

C02 đề nghị ai là nạn nhân bị lừa đảo chuyển tiền bằng những cách thức như trên hãy gửi đơn tố giác đến Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an (địa chỉ tại số 497 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội).

Thạch Lam