Người Việt thuộc nhóm ít đọc sách nhất thế giới, nhưng lại lọt top thế giới về sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.

sach giao khoa va chinh tri 0
Tại Pháp, Nhật Bản, trung bình mỗi người đọc 20 cuốn sách/năm; người dân Singapore đọc 14 cuốn/năm, người Malaysia đọc 12 cuốn/năm… (Ảnh minh họa/Sơn Vũ)

Tại tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?” do Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam và báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 19/4 mới đây đã cung cấp thông tin về việc đọc sách của người Việt Nam.

Cục Xuất bản Việt Nam đã thống kê trong ba năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách. Tuy nhiên, trong số này có hơn 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo kiến thức.

Như vậy, trừ sách giáo khoa, sách tham khảo, chỉ còn khoảng chưa tới 100 triệu bản sách/năm cho 95 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm một người Việt đọc bình quân chừng 1 quyển sách.

>> 8 bí quyết để bắt đầu thói quen đọc sách cho trẻ

Tại Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng” ngày 17/4/2019 ở Hà Nội, ông Nguyễn Quang Thạch, đại diện Chương trình Sách hóa nông thôn cho biết, khi phỏng vấn trên 3.000 học sinh, sinh viên, người lớn trên đường từ Hà Nội vào TP.HCM từ năm 2015, chỉ có khoảng 30 người biết đến 3 cuốn sách được trích dẫn trong SGK là “Những tấm lòng cao cả,” “Robinson Cruiso,” và “Góc sân và khoảng trời.”

Cũng theo ông Thạch, qua các khảo sát trên diện rộng gần 20 năm qua, thì thấy ở nông thôn, ngoại trừ một số gia đình giáo viên, các gia đình khác hầu như không có cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa và sách bài tập nâng cao của học sinh.

Còn theo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, có tới 44% người Việt thi thoảng đọc sách và 26% không bao giờ đụng vào sách.

Số lượng bản in, nhất là những đầu sách công cụ có giá trị tư tưởng, hàm lượng tri thức cao, chỉ dừng lại ở mức độ tối thiểu vài ba trăm bản cho đến nghìn bản cho dân số hơn 90 triệu người.

Con số tham khảo về tình trạng đọc sách tại các nước khác như sau: Tại Pháp, Nhật Bản trung bình mỗi người đọc 20 cuốn sách/năm; người dân Singapore đọc 14 cuốn/năm, người Malaysia đọc 12 cuốn/năm; người Trung Quốc đọc 5 cuốn/năm. Đặc biệt tại Ấn Độ, trung bình người dân dành hơn 10 tiếng/tuần cho việc đọc sách.

Bàn về cách xây dựng văn hóa đọc cho người dân, tại các hội thảo, hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã nhiều lần góp ý các vấn đề liên quan đến kinh phí, vai trò người đứng đầu hay xây dựng mô hình tủ sách học sinh, sách điện tử.

Tuy nhiên, 10 năm nay những giải pháp mang tính “hô hào khẩu hiệu” đó đã có từ lâu nhưng không giải quyết được bài toán để “văn hóa đọc” của người Việt Nam được nâng cao.

Theo ý kiến của nhiều bình luận trên các trang mạng xã hội (MXH), chỉ khi việc dạy và học ở Việt Nam đi vào thực chất, không còn chạy theo thành tích, đối phó; khi người đọc học thật với tinh thần tiếp thu, tích lũy tri thức thật thì mới có việc đọc thật; người tài, có kiến thức cần được trọng dụng thì mới có việc đọc thật, học thật. Chỉ khi đó, văn hoá đọc mới được nâng cao.

Trong khi đó, trái ngược với thời lượng vô cùng ít ỏi dành cho đọc sách, thời gian người Việt dùng cho mạng xã hội lại xếp trong top 10 thế giới.

Theo khảo sát về thói quen sử dụng MXH của người Việt Nam 2018 tiến hành bởi Vinaresearch, trung bình 1 ngày người Việt Nam dành khoảng hơn 2 tiếng để truy cập MXH.

Trong các kênh MXH, phổ biến nhất là Facebook. Thời gian người Việt trên 16 tuổi dành cho Facebook trung bình là gần 4 tiếng/ngày. Sau Facebook, các MXH phổ biến khác là Zalo, Youtube, Instagram.

Khi truy cập MXH, chỉ có 13,4% thời gian được dành cho học tập, còn lại đa số dùng MXH để kết nối, đọc tin tức, giải trí, mua sắm online và các mục đích khác.

Thanh Thuỷ (t/h)

Xem thêm: