Nguồn gốc thi thể nhựa hóa: Hé mở từ hộp sọ bị đạn xuyên thủng

Nguồn gốc thi thể nhựa hóa: Hé mở từ hộp sọ bị đạn xuyên thủng

Chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi chính thức mở cửa tại Việt Nam, triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đã gây ra tranh cãi về vấn đề đạo đức, thuần phong mỹ tục, về tính thương mại cũng như mục đích của nó. Và hơn hết, không ít người đến tham quan đã đặt câu hỏi về nguồn gốc của các thi thể nhựa hóa được trưng bày tại đây. Quay trở lại với thời điểm loại triển lãm này bắt đầu xuất hiện trên thế giới, chúng ta có thể có cái nhìn rõ nét hơn và toàn cảnh hơn về những vấn đề đằng sau nguồn gốc các thi thể.

Bối cảnh tại Việt Nam

Sau khi mở cửa tại Việt Nam, triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đã tạo ra tranh cãi rất lớn vì trưng bày các thi thể người nhựa hóa công khai có thu phí, trong khi lúc xin cấp phép lại chỉ ghi chất liệu mẫu vật là nhựa. Bên cạnh vấn đề đạo đức và thuần phong mỹ tục, dư luận hiện đã bắt đầu chú ý tới nguồn gốc của các thi thể trong triển lãm này.

Nguồn gốc thi thể nhựa hóa, trien lam co the nguoi, nhua hoa, trien lam xac nguoi that
Báo giới Việt Nam phản ứng trước triển lãm cơ thể người. Trong ảnh là các thai nhi được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh từ báo Thanh Niên)

Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, ông Dương Đức Hùng, bác sĩ phẫu thuật tim của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho rằng cần thẩm tra các loại hồ sơ cần thiết để đảm bảo yếu tố đạo đức:

“Có quốc gia đã yêu cầu ban tổ chức trình các hồ sơ của mỗi mẫu trưng bày xem có giấy chứng nhận tình nguyện hiến xác để nhựa hóa hay không, tôi cho đây cũng là yêu cầu phù hợp.”

Tuy nhiên, trả lời nghi vấn của báo Thanh Niên về việc liệu người hiến tặng có biết rõ xác của mình sẽ được đưa đi trưng bày hay không, nhất là thi thể những thai nhi, trẻ sơ sinh có nhận được sự đồng tình từ bố mẹ hay không, đơn vị tổ chức triển lãm là Mega Vina cho biết:

“Những thông tin về tình trạng và bệnh lý của mẫu vật được xác nhận bởi viện giải phẫu và bệnh lý từng quốc gia của người tình nguyện hiến tạng. Và trong các văn bản thỏa thuận hiến tạng tự nguyện, chúng tôi được yêu cầu bảo đảm nguyên tắc vô danh, tức là phải hoàn toàn bảo mật toàn bộ thông tin về danh tính, quốc tịch và nguyên nhân cái chết”.

“Những mẫu triển lãm phôi thai, thai nhi là những mẫu hiến tặng khoa học với sự đồng ý của bố mẹ và gia đình”.

Như vậy có nghĩa là trên các văn bản thỏa thuận hiến xác chỉ có chữ ký, không có danh tính, và thực chất là các văn bản không thể truy nguyên cả về quốc tịch và nguyên nhân cái chết. Các văn bản như vậy gần như vô giá trị, thậm chí liệu chúng có được ký kết dưới sự chứng kiến của một cơ quan nước sở tại hoặc một bên thứ ba nào đó, hay chỉ đơn giản là được ngụy tạo cho đủ thủ tục pháp lý? Không còn cách nào khác, chúng ta bắt buộc phải quay trở lại với thời điểm loại triển lãm này bắt đầu xuất hiện trên thế giới và truy nguyên nguồn gốc thi thể thông qua các dữ kiện trong quá khứ.

Chỉ có một nguồn gốc chính?

Năm 2001, hải quan Đức đã cho dừng một lô hàng gửi từ học viện Y khoa Novosibirsk tới một phòng thí nghiệm tại Heidelberg, Đức. Đây là lô hàng của Von Hagens, người phát minh ra công nghệ nhựa hóa. Lô hàng này bao gồm 56 thi thể và hàng trăm mẫu não. Nó được truy nguồn gốc tới một tội phạm tại Nga, kẻ đã bị kết tội vì buôn bán trái phép cơ thể của người vô gia cư, tù nhân và người nghèo (Theo tờ Guardian). Các thi thể đó là người Nga hay nhập vào Nga theo đường nào? Không ai biết rõ.

Thực chất, thị trường buôn bán các tiêu bản cơ thể người rất sôi động. Nó được sử dụng trong các phòng thí nghiệm, trong giải phẫu, trong các trung tâm nghiên cứu cơ thể người, trong các đại học, bệnh viện. Tuy nhiên, vì số lượng người hiến tặng rất ít, nên giá một tiêu bản của một bộ phận cơ thể rất cao. Nhựa hóa là một công nghệ mới, giá thành và thời gian hoàn thiện cao, dễ gặp lỗi, nên giá của loại tiêu bản này lại càng cao hơn. Bên cạnh đó, việc nhựa hóa để cho ra một tiêu bản đẹp, với các đường nét gân, mạch máu, v.v. rõ ràng, chỉ có thể thực hiện trên cơ thể mới chết trong vòng 2 tới 10 ngày (Theo các nguồn học thuật cuối bài viết). Các thi thể để quá lâu sẽ bị phân hủy và mất đi giá trị khi nhựa hóa.

Bởi vì sự hiếm hoi đó nên việc xây dựng một “bộ sưu tập” các thi thể, bao gồm người ở các tư thế khác nhau, các loại thi thể từ thai nhi đến người trưởng thành, từ nam giới đến phụ nữ có thai, là điều vô cùng khó thực hiện. Vậy nên các triển lãm cơ thể người thường xuyên bị đặt câu hỏi về nguồn gốc của các thi thể.

Nguồn gốc thi thể nhựa hóa, trien lam co the nguoi, nhua hoa, trien lam xac nguoi that
Thi thể của một thai phụ bị nhựa hóa và bị đặt trong một tư thế lố bịch tại triển lãm Body Worlds. (Ảnh qua taringa.net)

Trong khi trả lời truyền thông Nhật Bản, nhà tổ chức của “Mysteries of the Human Body” tại Tokyo trả lời rằng các thi thể đến từ một nhà máy tại Nam Kinh, Trung Quốc, là thi thể của những người Trung Quốc (Theo Japan Times, Nhật Bản). Triển lãm “Body Worlds” của Von Hagens, người phát minh công nghệ nhựa hóa, thì sử dụng thi thể từ nhà máy nhựa hóa của Von Hagens tại Đại Liên, Trung Quốc (Theo New York Times). Triển lãm “Bodies: The Exhibition” thì sử dụng thi thể nhựa hóa từ công ty nhựa hóa của Tùy Hồng Cẩm tại Đại Liên. Hầu hết các triển lãm còn lại thì nguồn thi thể đến từ Đại học Đại Liên (Theo đài NPR, Mỹ). Như vậy thực tế, các triển lãm này đã thuê lại hoặc mua lại các thi thể nhựa hóa tới từ Trung Quốc.

Những người Trung Quốc đó là ai?

Cụ thể hơn, nhà tổ chức Premier Exhibitions đã công khai trên trang web của mình sau khi bị Tổng chưởng lý New York yêu cầu phải hoàn trả lại tiền cho khách tham quan và thông cáo sự thật về các thi thể sử dụng trong triển lãm cơ thể người “Bodies – The Exhibition” như sau:

“Triển lãm này trưng bày phần còn lại của thi thể của các công dân hoặc người cư trú tại Trung Quốc, nguồn gốc là nhận được từ cơ quan công an Trung Quốc. Cơ quan công an Trung Quốc có thể nhận các thi thể từ nhà tù Trung Quốc. Premier không thể xác nhận độc lập rằng các thi thể mà quý khách đang tham quan có phải đến từ những người bị giam giữ tại nhà tù Trung Quốc hay không.”

Nguồn gốc thi thể nhựa hóa, trien lam co the nguoi, nhua hoa, trien lam xac nguoi that
Thông tin Premier Exhibitions công khai thừa nhận trên trang web của mình.

Tương tự, Tom Zaller, CEO của Imagine Exhibitions (nhà tổ chức triển lãm tại Úc), mới đây đã công khai thừa nhận rằng những thi thể này “chắc chắn tới từ Trung Quốc”. Ông ta cũng nói rằng họ “không có tài liệu” để chứng minh thân phận của những thi thể này hay cho thấy những người này trước đây đã từng đồng ý hiến cơ thể của mình sau khi chết. (Theo ETAC)

Khi bị tiếp tục gây sức ép về nguồn gốc các cơ thể, một số nhà tổ chức đã quay sang trả lời theo một hướng khác. Cụ thể như nhà tổ chức triển lãm “Real Bodies: The Exhibition” đã trả lời truyền thông rằng những thi thể trong triển lãm của họ là những “thi thể vô danh” tại các bệnh viện Trung Quốc, được trường đại học Y tại Trung Quốc thu nhận (Theo BBC). Điều này lại làm dấy lên một vấn đề khác: đây không phải là những người tự nguyện hiến tặng thi hài.

Những điều này khiến cho những lời cáo buộc từ các nhà hoạt động nhân quyền có thêm sức nặng. Theo đó, trong thư ngỏ của các luật sư, học giả, nhà hoạt động đạo đức và nhân quyền thuộc tổ chức Liên minh Thế giới Chống Lạm dụng Cấy ghép tại Trung Quốc (ETAC) gửi tới chính quyền Úc nhằm phản đối một triển lãm cơ thể người được tổ chức tại nước này, có đoạn viết:

“Thay vì lấy nguồn từ những thi thể không người nhận nói trên, như những người tổ chức triển lãm tự nhận, có những bằng chứng tin cậy cho rằng các thi thể này đến từ tử tù và tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.”

Cũng theo Quy định về giải phẫu thi thể do Bộ Y tế Trung Quốc ban hành vào tháng 2/1979 (hiện vẫn đang có hiệu lực pháp lý), một xác chết được xác định vô danh tính sau một tháng không có người đến nhận (Theo khoản 4 – Bản lưu điện tử). Điều này mâu thuẫn với các tài liệu học thuật về việc nhựa hóa thi thể, trong đó để đảm bảo chất lượng thi thể nhựa hóa thì việc nhựa hóa phải được tiến hành từ 2 đến 10 ngày.

Rốt cuộc đằng sau sự lập lờ của các triển lãm cơ thể người là điều gì?

Hộp sọ thi thể cho thấy một thực tế khác

Thực chất, từ năm 2004, tờ Der Spiegel của Đức đã đăng tải các thông tin gây sốc liên quan tới nguồn thi thể nhựa hóa của triển lãm Body Worlds, do cha đẻ của công nghệ nhựa hóa Gunther von Hagens sáng lập. Theo đó, một số hộp sọ trong nhà máy nhựa hóa bị đạn xuyên thủng. Điều đó cho thấy rất có khả năng các thi thể này là từ tử tù hoặc tù nhân lương tâm, chứ không phải là từ các “thi thể vô danh” không người nhận, hoặc là từ những người hiến tặng tự nguyện.

Nguồn gốc thi thể nhựa hóa: Hé mở từ hộp sọ bị đạn xuyên thủng
Der Spiegel gọi Von Hagens là “Bác sĩ tử thần” trên trang bìa tờ báo nói về nguồn gốc các thi thể nhựa hóa.

Sự việc xảy ra vào tháng 1/2004, khi tờ Der Spiegel của Đức đưa một bài báo lên trang bìa với tựa đề “Bác sĩ tử thần”. Theo đó, tờ Der Spiegel đưa ra chứng cớ tội ác ngay trong email từ nhà quản lý của giáo sư Von Hagens tại Trung Quốc – ông Tùy Hồng Cẩm.

Vào tháng 12 năm 2001, Tùy Hồng Cẩm đã khoe khoang rằng ông ta đã kiếm được thi thể của “một người đàn ông và một người phụ nữ trẻ”, những người đã “chết” vào sáng hôm đó. Cặp thi thể này đã bị mổ bụng, bị lấy hết nội tạng và họ đã bị giết bởi một phát súng vào đầu (Theo tờ Telegraph).

Như vậy là theo email, có ít nhất 2 thi thể trong số 647 thi thể được Von Hagens lưu trữ tại trung tâm của ông ta ở Trung Quốc (tính đến thời điểm đó) có lỗ đạn trên hộp sọ. Trung tâm này đặt tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc, và thực chất là một nhà máy gia công thi thể nhựa hóa với 200 nhân công.

Nguồn gốc thi thể nhựa hóa, trien lam co the nguoi, nhua hoa
Bên trong nhà máy nhựa hóa thi thể của Von Hagens.

Tờ Guardian viết: “Trung tâm này được đặt gần 3 trại giam, nơi các tù nhân chính trị và các thành viên của phong trào khí công Pháp Luân Công bị giam giữ. Theo tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tử hình 2.468 người vào năm 2001 bằng cách bắn vào đầu hoặc đằng sau gáy. Von Hagens trước đây đã từng bị buộc tội vì mua thi thể của tử tù, người vô gia cư và người bị tâm thần từ Nga – một lời buộc tội mà ông phủ nhận.”

Vụ việc trên Der Spiegel ngay lập tức khiến Von Hagens phải trả lời truyền thông, ông ta cho biết bản thân “chỉ mới” phát hiện vào tuần trước rằng 7 thi thể trong bộ sưu tập của mình “bị thương ở đầu”. Von Hagens tuyên bố sẽ trả lại 7 thi thể đó sau khi thú nhận rằng các thi thể được sử dụng trong triển lãm của ông ta có thể tới từ tử tù. Đồng thời, Von Hagens cũng cho biết ông ta nhận được các thi thể đó từ quan chức Trung Quốc nhưng không biết chắc về nguồn gốc của chúng: “Tôi không thể chứng minh những thi thể đó không tới từ tử tù.” (Theo tờ BBC)

Nhưng sau đó vào ngày 22/1/2004, Von Hagens lại xuất hiện với một khẳng định rằng những thi thể xuất hiện trong triển lãm của ông ta đã ký giấy miễn trách nhiệm trước khi họ chết (Theo tờ Guardian).

Von Hagens, Nguồn gốc thi thể nhựa hóa, trien lam co the nguoi, nhua hoa, trien lam xac nguoi that
Điều khiến Von Hagens bị chỉ trích nhiều nhất chính là việc ông ta không tôn trọng các thi thể, thậm chí sử dụng chúng trong các tư thế tình dục lố bịch nhất. Liệu một người như vậy có thật sự quan tâm tới nguồn gốc của các thi thể trong “bộ sưu tập” của ông ta? (Ảnh qua Picsunday.com)

Những điều đáng chú ý trong sự việc này là:

  • Von Hagens sử dụng con số 7 thi thể chứ không phải 2, từ đó tránh dùng từ bị đạn bắn vào đầu, thay vào đó là từ “bị thương ở đầu”.
  • Von Hagens khẳng định không thể chứng minh những thi thể đó không tới từ tử tù.
  • Von Hagens khẳng định ông ta lấy thi thể từ quan chức Trung Quốc.
  • Von Hagens sau đó lại xuất hiện và khẳng định “những người đó” đã ký giấy miễn trách nhiệm, gián tiếp cho thấy đó là tử tù.

*****

Có thể thấy, hành trình “khẳng định” của các triển lãm cơ thể người đối với vấn đề nguồn gốc thi thể thật kỳ lạ. Đầu tiên nhà tổ chức nói là được hiến tặng; sau đó lại nói là lấy từ đại học và bệnh viện Trung Quốc; khi chịu áp lực lớn hơn thì nói rằng đó là các thi thể vô danh; khi bị báo chí phanh phui lại nói rằng lấy từ quan chức Trung Quốc và gián tiếp thừa nhận có các thi thể từ tử tù; cuối cùng phân bua rằng mình không thể kiểm soát được nguồn gốc các thi thể.

Email của Tùy Hồng Cẩm mới chỉ làm hé lộ một phần nhỏ của những điều khuất tất đằng sau các triển lãm thi thể người cũng như công ty nhựa hóa của Von Hagens. Vượt xa hơn phần nổi của tảng băng trình bày trong email này, sự mờ ám còn đi đến đâu nữa?

Xem kỳ tiếp theo: Tam giác giết người

Nhật Nam

Một số tài liệu học thuật khẳng định các thi thể cần được xử lý nhựa hóa trong từ 2 đến 10 ngày:

1. Gunther von Hagens’ Plastination Technique (Britta Martinez, 24-10-2012)

2. Plastination: An innovative method of preservation of dead body for teaching and learning anatomy (Anita Mahajan, Shilpi Agarwal, Swati Tiwari, Neelam Vasudeva, 25-1-2016)

3. A Brief Review on the History, Methods and Applications of Plastination (Shahyar Pashaei, Int. J. Morphol., 28(4):1075-1079, 2010)

4. The art of plastinated cadavers (Arvinder Pal Singh Batra, Jeewandeep Kaur, In journey from primitive anatomy to plastination- A Bird’s Eye view, Chapter 13, Gulab Publishers, pp.143-165)

Theo dòng tin tức về triển lãm cơ thể người:

Bình Luận