Bộ Tài chính Việt Nam quy định vốn nhàn rỗi của Quỹ vắc-xin COVID-19 sẽ được gửi tại các ngân hàng thương mại để lấy lãi, phát triển vốn. Với quy định này, Kho bạc Nhà nước đã đấu thầu, lựa chọn ngân hàng thương mại có lãi suất cạnh tranh để gửi tiền, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho hay.

vac xin covid 19 astrazeneca
Một nhân viên y tế kiểm tra vắc-xin COVID-19 AstraZeneca trước khi tiêm cho nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến Gia Lai, ngày 9/3/2021. (Ảnh minh họa: Đức Thụy/gialai.gov.vn/TTVN biên tập)

Quy định gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại đối với nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ phòng COVID-19 được Bộ Tài chính luật hóa tại Thông tư số 41/2021/TT-BTC do Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn ký thay Bộ trưởng ngày 2/6/2021.

Theo nội dung thông tư, Quỹ phòng COVID-19 hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính thông qua Ban Quản lý Quỹ. Các thành viên trong Ban Quản lý này do Bộ trưởng bổ nhiệm.

Về thẩm quyền xuất chi, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ tổng hợp nhu cầu kinh phí để mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng số tiền được cấp từ Quỹ để mua, nhập khẩu vắc-xin, tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước; quản lý, sử dụng vắc-xin đã mua, nhập khẩu và vắc-xin đã tiếp nhận từ các nhà tài trợ.

Với chức năng quản lý tài chính, Bộ Tài chính quy định nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ sẽ gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại mà Kho bạc Nhà nước lựa chọn, kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng. Việc lựa chọn kỳ hạn gửi do Ban Quản lý quỹ căn cứ kế hoạch chi của Bộ Y tế, khả năng nguồn vốn nhàn rỗi của Quỹ và tình hình thị trường.

Theo đó, Bộ Tài chính xác định nguồn thu của Quỹ gồm: Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước (tiền, vắc-xin và các loại hình vật chất khác); Lãi tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại; Các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, Giám đốc Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 mới đây cho biết với quy định được sử dụng vốn nhàn rỗi của quỹ để gửi tại các ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước đã tiến hành đấu thầu, lựa chọn ngân hàng thương mại có lãi suất cạnh tranh để gửi tiền, Thời báo Tài chính ngày 15/6 dẫn tin cho hay.

Cũng theo ông Vinh, số lượng tiền, số lượng các tổ chức, cá nhân ủng hộ vào quỹ được cập nhật vào lúc 11h và 17h hàng ngày trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, website của Kho bạc Nhà nước và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo công bố của Kho bạc Nhà nước, tính đến 11h ngày 18/6, Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 có số dư là 5.708 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi); 318.941 tổ chức, cá nhân đã đóng góp. Còn 43 đơn vị, tổ chức cam kết chi nhưng chưa chuyển, chuyển một phần hoặc chưa chuyển hết theo cam kết.

Hiện thông tin cập nhật trên website của Kho bạc Nhà nước chỉ công bố danh sách các đơn vị, tổ chức cam kết chi nhưng chưa chuyển tiền hoặc chưa chuyển hết theo cam kết, không công bố danh sách các nguồn và số tiền đã đóng góp.

Theo quy định tại Thông tư 41, việc công khai Quỹ (số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại) được thông báo hàng tháng, 6 tháng, năm.

Thời điểm công khai báo cáo tháng, 6 tháng chậm nhất là sau ngày 10 kể từ ngày kết thúc tháng, 6 tháng; công khai báo cáo năm chậm nhất vào ngày 31/1 của năm sau và báo cáo quyết toán chậm nhất 30 ngày sau khi báo cáo được Bộ Tài chính phê duyệt.

Việc công khai được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và một hoặc một số hình thức: công bố tại các cuộc họp, niêm yết tại trụ sở của Quỹ, phát hành ấn phẩm, thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Việt Nam ‘né’ trả lời việc ‘yêu cầu’ doanh nghiệp nước ngoài góp Quỹ vắc-xin COVID-19