Chiều 17/11, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) (16 chương, 171 điều) đã được Quốc hội thông qua với gần 92% phiếu tán thành. Luật này sẽ bổ sung, thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Riêng nội dung về đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021.

luat bao ve moi truong 1
Cá chết trong lòng hồ ô nhiễm ở Việt Nam. (Ảnh: Dzung Khuc/Shuttterstock)

Các tổ chức xã hội – môi trường, cá nhân nhiều lần khuyến nghị 

Chỉ vài giờ trước khi Quốc hội biểu quyết, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) lên tiếng đề nghị cần phải hoãn việc thông qua dự luật này với lý do quy định về việc công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã không được chỉnh sửa sau nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội, các quy định hiện tại “vẫn đang hạn chế quyền tiếp cận ĐTM của cộng đồng”.

Ngược lại 2 tuần trước, ngày 2/11, đại diện của Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO); Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người vùng Dân tộc, Miền núi (HRC); Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP); Hội Khoa học kỹ thuật An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD); Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD); Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD); Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature); cùng các chuyên gia về luật pháp – biến đổi khí hậu – sức khỏe đã gửi kiến nghị tới cơ quan thẩm tra dự luật, cơ quan soạn thảo dự luật và các đại biểu Quốc hội, đề nghị hoãn thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Ngày 9/11, 5 tổ chức thành viên thuộc NCDs-VN gồm RTCCD, Hội Y tế Công cộng, GreenID, MEC, LPSD gửi kiến nghị tới đại biểu Quốc hội chỉ ra những tồn tại, mất cơ bản lớn trong nội dung bản dự thảo Luật Bảo vệ môi trường cùng các kiến nghị của Liên minh

Kết quả, đến sáng 11/11, Quốc hội quyết định lùi lịch biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi tới ngày 17/11, với lý do để cơ quan soạn thảo, thẩm định tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự luật này.

Ngày 15/11, 6 liên minh gồm NCDs-VN, VSEA, VRN, Liên minh Vận động Phát triển chính sách Y tế dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD), và Hội y tế Công cộng (VPHA), tổ chức CENFORD gồm 124 tổ chức thành viên tiếp tục gửi thư kiến nghị tới Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và các Bộ liên quan đã kiến nghị tạm hoãn thông qua dự thảo luật trong kỳ họp này và đề nghị các tổ chức khoa học vì dân – phi vụ lợi hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được tham gia vào tiến trình phản biện độc lập dự thảo luật.

Tuy nhiên, chiều ngày 17/11, luật được công bố thông qua với số phiếu áp đảo, giữ nguyên nội dung soạn thảo.

Việc các chuyên gia nhiều ngành đồng quan điểm cần tạm hoãn thông qua dự luật và thực tế dự luật được thông qua chóng vánh liệu có phải một tiến trình tất yếu về hành lang pháp luật bảo vệ môi trường tại Việt Nam? Trước mắt, có thể thấy ngay nguy cơ gì từ Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) với nhiều điều khoản gây tranh cãi sẽ có hiệu lực trong hơn 2 tháng tới?

Đánh giá tác động môi trường là gì? Vì sao cần công khai đánh giá tác động môi trường?

luat bao ve moi truong 3
Rừng trọc ở vùng cao Quảng Nam, Việt Nam dọc theo đường Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuanhuongho/Shutterstock)

Luật Bảo vệ môi trường 2014 đưa ra khái niệm: Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển để đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường, làm nền tảng và được tích hợp trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.

Do đó, “đánh giá tác động môi trường là một hoạt động nghiên cứu khoa học, đòi hỏi có chuyên môn sâu, đa ngành, có phương pháp hướng dẫn cụ thể của Quốc tế, đặc biệt từ các tổ chức của Liên hợp Quốc mà Việt Nam là thành viên” – BS. TS. Trần Tuấn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng (RTCCD – Thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho biết. “Đã có tài liệu chính thức của Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)… hướng dẫn cụ thể từng bước về đánh giá tác động môi trường của các dự án can thiệp cộng đồng (dự án phát triển, dự án đầu tư..).”

Tuy nhiên, “hiện luật [Bảo vệ môi trường vừa được thông qua] không đi theo các hướng dẫn kỹ thuật này” – theo ông Tuấn.

Vì là một hoạt động nghiên cứu khoa học, nên chất lượng của đánh giá tác động môi trường (sơ bộ hay chính thức) hoàn toàn phụ thuộc vào chuyên môn và đạo đức bộ phận chịu trách nhiệm thực hiện, còn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thực chất là thẩm định một báo cáo nghiên cứu khoa học.

Song, luật hiện quy định chủ đầu tư “tự” chịu trách nhiệm thực hiện “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” (Điều 29, Mục 2, Chương 4) cũng như “đánh giá tác động môi trường” (Điều 31, Mục 3, Chương 4).

Điều này không chỉ không đảm bảo tính khách quan, khoa học, mà còn thiên lệch cho phía chủ đầu tư, ông Tuấn đánh giá. “Nguy cơ một khi chủ dự án đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư, thẩm định được quyết định bởi người xa thực tế (trên Bộ), dự án đầu tư tài liệu chuyên môn đánh giá tác động lại đa ngành, liệu thời gian quy định (1 tháng, 1,5 tháng) có đủ để “người của Bộ” đọc hiểu và ra được quyết định khách quan, chính xác, trên cơ sở “vì lợi ích môi trường” hay không?” – ông Tuấn đặt câu hỏi.

Thư kiến nghị ngày 2/11 của các tổ chức xã hội độc lập cũng xác định: “Quá trình đánh giá tác động môi trường là quá trình kỹ thuật cần có sự tham gia nghiên cứu, đánh giá và phản biện từ các chuyên gia, nhà khoa học độc lập”, do đó, việc đánh giá ĐTM cần có sự tham gia của các tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong đánh giá tác động môi trường, tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội để đưa ra đánh giá đa chiều và khách quan.

Nguy cơ “thụt lùi” về đánh giá tác động môi trường

TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP), nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường nhận định: “Dự thảo lần này bỏ điều 131 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 về công khai thông tin (công khai ĐMC [đánh giá môi trường chiến lược], ĐTM [đánh giá tác động môi trường], kết quả thanh tra …) là bước lùi so với Luật 2014 về công khai thông tin.

Chúng ta cần công khai và quy định thời điểm công khai thông tin, tránh trường hợp 10 năm sau mới công khai vẫn không sai. Đặc biệt, quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết quả thanh kiểm tra cũng cần được công khai để cộng đồng, xã hội và các chuyên gia có dữ liệu giám sát, phản biện với những dự án tác động lớn về môi trường”.

luat bao ve moi truong 2
Người đàn ông chở rác trên thuyền ở Hồ Tây, Hà Nội, Việt Nam, ngày 15/8/2019. (Ảnh: Thinh_TV/Shuttterstock)

Điều 131 Luật Bảo vệ Môi trường 2014 quy định các thông tin môi trường phải được công khai gồm: Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải; Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; Các báo cáo về môi trường; Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường – trừ những thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin và cơ quan công khai thông tin môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

Theo nội dung dự luật, Khoản 2 Điều 38 quy định cơ quan thẩm định ĐTM “công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”. Theo đó, cơ quan thẩm định ĐTM chỉ công khai Quyết định phê duyệt ĐTM. Việc công khai ĐTM thuộc về chủ đầu tư, theo Khoản 5 Điều 37 của dự thảo luật này.

Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) không bắt buộc phải công khai ĐTM, còn Luật Tiếp cận thông tin chỉ có phạm vi điều chỉnh đối với cơ quan Nhà nước, chưa điều chỉnh doanh nghiệp, nên vẫn có nguy cơ các nhà đầu tư không công khai ĐTM hoặc hạn chế thông tin công khai. Hạn chế quyền tiếp cận ĐTM của cộng đồng sẽ làm gia tăng nguy cơ với các dự án có nghi vấn, thậm chí tác động xấu đến môi trường.

“Việc công khai ĐTM cho phép và đảm bảo sự giám sát của cộng đồng, của các tổ chức độc lập, hạn chế các xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên, và bảo vệ môi trường. Nếu sự giám sát này bị triệt tiêu, trong tương lai chúng ta sẽ lại phải tiếp tục chứng kiến những hậu quả tàn khốc sau khi thiên nhiên, môi trường đã bị hủy hoại vì sự yếu kém, tham lam, cuồng vọng của con người”, ông Nguyễn Lân Hiếu nói tại nghị trường ngay trước giờ Quốc hội bấm nút thông qua.

Với việc Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thông qua, đồng nghĩa quy định về nghĩa vụ Công khai thông tin về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 tại Điều 131 đã bị bãi bỏ.

Thực tế, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam  (VCAP) đề nghị cần công khai cả danh sách hội đồng thẩm định ĐTM  để nâng cao trách nhiệm khi đưa ra quyết định phê duyệt.

Trước các vấn nạn về môi trường, thiên tai/nhân tai hiện nay, TS Nguyễn Ngọc Huy, Cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai của tổ chức Oxfam tại Việt Nam đề nghị công khai Báo cáo ĐTM của tất cả các dự án, trừ các dự án liên quan đến bí mật quốc phòng, vì môi trường là của người dân và người dân có quyền được biết các rủi ro môi trường xung quanh họ.

Theo báo Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia, nhà khoa học chuyên thẩm định ĐTM khẳng định ĐTM không chứa bí mật doanh nghiệp.

Ngay trong kỳ họp vừa qua, hai Dự án hồ chứa nước sông Than (Ninh Thuận) và Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) với tổng diện tích rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng lên tới 1.562 ha (bao gồm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng sản xuất) đã được Quốc hội đồng ý về mặt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

9 nguyên lý cơ bản

Thư kiến nghị ngày 15/11 của 6 liên minh và hội (124 tổ chức thành viên) đã chỉ ra 9 nguyên lý cơ bản phải đảm bảo cho một luật bảo vệ môi trường được xây dựng:

  1. Nguyên lý “Minh bạch và giải trình trách nhiệm”
  2. Nguyên lý “Người gây ô nhiễm phải bồi hoàn tổn hại môi trường”
  3. Nguyên lý “Sự tham gia của công chúng”
  4. Nguyên lý “Công bằng và sòng phẳng trách nhiệm của thế hệ trước với thế hệ sau”
  5. Nguyên lý “Cảnh giác an toàn làm đầu”
  6. Nguyên lý “Dự phòng xuyên suốt”
  7. Nguyên lý “Lồng ghép, tích hợp, đồng bộ hóa”
  8. Nguyên lý “Trách nhiệm xuyên biên giới”
  9. Nguyên lý “Phát triển bền vững”

Tham khảo:

Vĩnh Long 

Xem thêm: